(HBĐT) - Hà Thị Huyền (ảnh), lớp 6A, trường THCS thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) trông chững chạc hơn các bạn cùng trang lứa. Ẩn trong đôi mắt đượm buồn và dáng hình gầy gò của em toát lên nghị lực vượt khó mạnh mẽ.
Huyền sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở xóm Tân Thịnh, xã Yên Lạc (Yên Thủy). Gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Cuộc sống trôi đi bình yên, ngọt ngào đến năm 2002, thời điểm em ra đời. Những tưởng có thêm cô con gái thứ hai sẽ tô thêm nụ cười cho cha mẹ. Nhưng sau khi sinh Huyền được 4 tháng, bố em mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền để cứu chữa và bố Huyền đã qua đời để lại cho người vợ hai đứa con thơ dại. Nỗi đau có lúc đã làm người mẹ trẻ ngã quỵ nhưng vì con và được sự động viên của họ hàng, làng xóm, chị đã gượng dậy. Nhưng rồi, số phận nghiệt ngã lại ập xuống, năm 2007, mẹ Huyền tiếp tục lâm bệnh và qua đời, bỏ lại hai chị em bơ vơ. Khi đó, chị gái của Huyền là Hà Thị My 11 tuổi, còn em 5 tuổi.
"Không nơi nương tựa, hai chị em phải dựa vào ông cậu (em của bà ngoại). Trong nhà không có gì đáng giá, đến giường nằm cũng không có, hàng ngày hai chị em phải làm đủ mọi việc để có cái ăn. Sau giờ học, chúng em trồng rau, nuôi gà, làm vườn và đi cấy, làm cỏ, trồng lạc, ngô thuê. Đi làm về người mệt nhoài, mắt díp vào nhưng nhiều lúc không tài nào chợp được mắt, hai chị em lại ôm nhau khóc. Những lúc đó, cái đầu non nớt của em đã bắt đầu mường tượng được sự cần thiết của việc học. Nhưng rồi hoàn cảnh gia đình thiệt thòi, có lúc không đủ tiền đóng học, em từng có ý định bỏ học. Chính trong lúc khó khăn đó, chúng em nhận được sự giúp đỡ của Đảng ủy, UBND xã và các ngành, đoàn thể, nhân dân trong xóm, nhất là Ban bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em xã. Chúng em đã được hỗ trợ mua giường, chiếu, chăn, màn, quần, áo. Hội CTĐ huyện mua cho sách, vở, hỗ trợ kinh phí để hai chị em vẫn tiếp tục được đến trường. Cháu đã hiểu ra rằng, không có học thì không làm nên được gì và cũng không có cơ may để thay đổi cuộc sống hiện tại. Vì vậy, cháu đã vượt qua những thiếu thốn về vật chất, tinh thần, dồn hết tâm trí vào những trang sách, lời giảng của cô giáo” - Hà Thị Huyền chia sẻ.
Với những nỗ lực trong học tập, nhiều năm, Huyền là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của xã, huyện. Huyền là một trong 20 người tàn tật, trẻ mồ côi tiêu biểu được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh biểu dương có tinh thần vượt khó. Dẫu còn những khó khăn nhưng được sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, Huyền đã vượt lên số phận. Cuộc sống của hai chị em ngày càng khá hơn. Huyền mong ước được tiếp tục học tập và trở thành kỹ sư nông nghiệp để có thể tự nuôi sống bản thân và góp sức nhỏ bé xây dựng quê hương.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Nghề giáo viên được ví như “người lái đò” tận tụy. Ở bản Táu Nà, một điểm trường khó khăn nhất của xã Cun Pheo, huyện Mai Châu cũng có những con người như thế, đó là cô giáo Bùi Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1+2, điểm trường Táu Nà. Cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả, vượt rừng, lội suối để đem cái chữ đến với con em đồng bào vùng cao.
(HBĐT) - Là một trong 7 thanh niên tiêu biểu nhất được biểu dương tại Đại hội đại biểu Hội LHTN huyện Lạc Sơn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014 - 2019, anh Bùi Văn Thư (xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn) với mô hình phát triển kinh tế VAC kết hợp với tiểu thủ công nghiệp thực sự là tấm gương vượt khó làm giàu đầy bản lĩnh.
(HBĐT) - Bà Đỗ Thị Nhung là một nữ quân nhân nghỉ hưu. Với ý thức: sống tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, làm việc có ích cho xã hội, xứng đáng là người lính Cụ Hồ, đảng viên gương mẫu, sau 32 năm công tác trong quân ngũ trở về địa phương, bà tiếp tục gắn bó với công tác Hội phụ nữ và trong KDC.
(HBĐT) - Từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo UBND xã vùng sâu Hưng Thi (Lạc Thủy), già làng Bùi Văn Chung nghỉ hưu theo chế độ tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của người đảng viên, nhận thức đúng đắn sự phát triển mọi mặt của huyện, xã là nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo nhiều cơ hội, điều kiện để đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Là địa bàn phức tạp về tình hình ANTT, xóm Nam Sơn 1, xã Thu Phong (Cao Phong) đang có những bước chuyển mình căn bản tạo sức bật trong phát triển KT -XH đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi tích cực ấy không thể không nhắc tới sự tham gia nhiệt tình của người trưởng xóm tâm huyết với công việc, ông Đoàn Văn Xu.
(HBĐT) - Sinh và lớn lên ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc). Năm 1948, vừa tròn 16 tuổi, chàng trai Xa Văn Thế đã giác ngộ cách mạng và một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Là người Tày đầu tiên của huyện Đà Bắc xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi, ông Xa Văn Thế trở về cùng nhân dân bản, làng xây dựng quê hương.