Trung tá Hà Công Ử kiểm tra súng của người dân giao nộp.
(HBĐT) - Trong đời sống tâm linh đồng bào Thái có cây kiếm thờ là vật “hội tụ” linh hồn ông bà tổ tiên. Với đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc sống gần rừng, khẩu súng săn, con dao quắm là những vật “bất ly thân” từ nhiều đời nay. Họ dùng để bắn báo hiệu, vì nhà nọ với nhà kia cách nhau cả quả đồi. Họ dùng để bắn trong đám ma, đuổi ma tà, đưa linh hồn người chết siêu thoát.
Họ dùng để đi rừng, kiếm sống và tự vệ. Chính những khẩu súng khi được sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình. Theo thống kê của Công an huyện Mai Châu, từ năm 1996 đến nay, toàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ đi săn bắn nhầm người và dùng súng tự chế (súng kíp) để giải quyết mâu thuẫn. Ngần ấy vụ bắn nhầm cùng đồng nghĩa với ngần ấy số người chết và bị thương. Nếu tính chung số vụ đi săn mà bắn nhầm nhau trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn. Có nhiều vụ xảy ra rất thương tâm và đau xót như con bắn nhầm cha, anh bắn nhầm em, bạn săn bắn nhầm nhau...
Trung tá Hà Công Ử, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Mai Châu cho rằng: Công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ phải được thực hiện có lộ trình, triệt để, không nóng vội và quyết tâm chính trị cao. Trước hết phải làm tốt tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng súng trong dân cư. Khi người dân đã thấm, đã hiểu, họ sẽ tự nguyện giao nộp. Phòng quan trọng hơn chống, tuyên truyền, vận động quan trọng hơn cưỡng chế - Trung tá Hà Công Ử nhấn mạnh.
Trung tá Hà Công Ử đã tham mưu cho các cấp, ngành của huyện triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 16 của ủy ban Thường vụ QH, Nghị định 47 của Chính phủ, Đề án 1081 của UBND tỉnh, tổ chức vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Anh biết rằng, việc thay đổi thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức nhân dân không thể là chuyện một sớm, một chiều, anh đã nhiều lần xuống cơ sở, thực hiện “4 cùng” với nhân dân để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Anh đến tận bản làng, gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, giải thích vềõ tác hại của việc sử dụng súng tự chế. Thời gian đầu, việc tiếp cận các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Không nản chí, anh và các đồng đội kiên trì vận động, thuyết phục. Anh tin rằng, người dân sẽ hiểu và chấp hành nghiêm túc. Anh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kéo các đoàn thể quần chúng vào cuộc, tham gia tuyên truyền, vận động. Sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền như: thông qua các cuộc họp dân, họp ổ nhà, dòng họ, hoạt động văn nghệ, thể thao và tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của địa phương. Sau khoảng 3 tháng tuyên truyền, vận động, các anh đón nhận tín hiệu tích cực từ nhân dân. Từ các thôn, bản lác đác một số người dân mang súng đến UBND xã tự nguyện giao nộp.
Với người dân tộc, những già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quyết định tới các việc lớn, bé trong bản. Tiếng nói của họ có giá trị hơn hàng chục buổi tuyên truyền, vận động theo phương thức truyền thống. Nắm bắt điều đó, anh đã tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện giao nộp súng. ông Sùng A Giống, Sùng A Xa, Sùng A Dễ ở xã Pà Cò, Vàng A Tình ở xã Hang Kia là những người có uy tín điển hình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí ở bản Mông.
Trung tá Hà Công Ử chia sẻ: Bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở huyện Mai Châu là chuyện hiếm hoi, nói gì đến chuyện vào rừng như trước nữa. Thay đổi này có được là nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng cùng các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Trong thành công đó có sự đóng góp âm thầm, hiệu quả của trung tá Hà Công Ử, người con của núi rừng Mai Châu.
Như Hùng (TTV)
(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, xóm Báy, xã Sào Báy (Kim Bôi) thật bất ngờ trước mô hình trang trại tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Tuyết còn giúp nhiều người có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.
(HBĐT) - Nghệ nhân Bùi Văn Ểu, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) là cái tên quen thuộc được nhiều người dân vùng đất Mường Bi biết đến vì là người cả đời nhiệt huyết gắn bó với dân ca Mường. Nhiều năm đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú, nhưng với hiểu biết và niềm say mê về dân ca Mường, ông luôn quan tâm sưu tầm cũng như tham gia những sự kiện văn hóa, các hội diễn văn nghệ liên quan đến dân ca Mường.
(HBĐT) - Đã nhiều năm “nổi danh” là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng mía trắng luôn đạt “top” thu nhập trong xã. Tuy nhiên, năm 2015, anh nông dân Phùng Đình Thành, xóm Yên Hòa, xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy lại một lần nữa khiến những hội viên trong xã ngạc nhiên khi phá bỏ toàn bộ diện tích mía trắng để trồng vào đó hơn 700 gốc táo giống mới chưa từng xuất hiện trên thị trường Hòa Bình.
(HBĐT) - Với bảng thành tích nổi bật, Nguyễn Văn Tiến là gương mặt tiêu biểu cho sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn để trở thành học sinh lớp 11 chuyên toán trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.
(HBĐT) - Đã trải qua 29 năm công tác nhưng có tới 19 năm gắn bó với công tác thanh tra và kiểm tra Đảng. Sau khi tốt nghiệp đại học Tài chính, chị Bùi Thị Thu (ảnh) được tiếp nhận về làm cán bộ Ban Kế hoạch - UBND huyện Yên Thủy, rồi làm kế toán trưởng, trưởng cửa hàng thương nghiệp tổng hợp huyện, ở lĩnh vực công tác nào chị cũng thể hiện là một người khiêm nhường, đức độ, nghiêm túc và tận tụy.
(HBĐT) - Vợ ốm gần chục năm trời, một mình chăm sóc 4 người con thơ dại, đàn trâu gần 20 con cũng lần lượt phải đem bán để lấy tiền thuốc thang cho vợ, đã có lúc CCB Bùi Văn Đủi, xóm Mè, xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn nghĩ mình trắng tay sau bao nhiêu năm vất vả miệt mài lao động. Nhưng rồi, với ý chí nghị lực của một người lính bộ đội cụ Hồ, một lần nữa ông lại bắt tay gây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn thả vườn để phát triển kinh tế hộ gia đình.