Tân Lạc là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiến 89,37% dân số. Đến nay, theo phân định khu vực thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tân Lạc có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, có 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó 5 xã đặc biệt khó khăn và 26 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I.
Người có uy tín xã Đông Lai (Tân Lạc) nắm bắt thông tin chính thống trên báo Đảng địa phương để tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Phần lớn đồng bào DTTS sống ở các xã, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Các chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai trên địa bàn huyện đã thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, đời sống nhân dân được nâng lên, đặc biệt là công tác giảm nghèo đạt kết quả đáng phấn khởi. Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Tân Lạc tăng cường công tác tuyên truyền; lồng ghép các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Tăng cường tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cộng đồng, người có uy tín trong đồng bào DTTS… để Nhân dân biết và chủ động, tích cực tham gia.
Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã cũng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Xã quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động đồng bào thi đua sản xuất giỏi, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, thi đua "dân vận khéo”; vận động người dân thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện công tác truyền thông, vận động trong vùng đồng bào DTTS, huyện Tân Lạc quan tâm phát huy vai trò người có uy tín. Hàng năm, UBND huyện tổ chức gặp mặt, tặng quà cho người có uy tín tại các xã, thị trấn; tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học hỏi kinh nghiệm. Giai đoạn 2019 – 2024, huyện đã tổ chức 4 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu; tham quan, học tập kinh nghiệm tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với tổng kinh phí hơn 460 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị trong huyện đã phối hợp tổ chức các lớp, buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hội thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Phối hợp tuyên truyền các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Báo Hòa Bình.
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS, nhận thức, hiểu biết của người dân trên địa bàn huyện được nâng lên. Kinh tế - xã hội huyện phát triển; các xóm, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,66% (năm 2019) xuống còn 9,40% năm 2023. Diện mạo các miền quê vùng DTTS ngày càng khang trang, đổi mới.
Dương Liễu