Những năm qua, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thu Phong (Cao Phong) phát động đạt nhiều kết quả. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Một trong những điển hình là chị Bùi Thị Hải Yến, sinh năm 1987, dân tộc Mường ở xóm Đúng Thá. Chị là Phó chủ tịch Hội LHPN xã, một cán bộ hội chăm chỉ, năng động phát triển kinh kế từ mô hình nuôi ong kết hợp đa dạng sản phẩm từ mật ong.
Chị Bùi Thị Hải Yến với công việc hàng ngày kiểm tra thùng ong nuôi.
Vốn là cô gái Mường ở quê hương Kim Bôi, chị Yến xây dựng gia đình và về sống tại huyện Cao Phong năm 2013. Hai vợ chồng trẻ quyết tâm phát triển kinh tế gia đình từ chính mảnh đất quyê hương khi có được những thuận lợi từ gia đình là có nghề nuôi ong truyền thống. Chị Yến chia sẻ: Món quà bố mẹ chồng tặng cho vợ chồng lúc mới cưới là 50 tổ ong làm vốn. Cùng với sự chỉ dạy kỹ thuật nuôi ong rất cẩn thận từ bố mẹ chồng, chúng tôi đã tiếp cận nghề nuôi ong thuận lợi.
Nhờ diện tích vườn cây của gia đình rộng, thoáng mát, các loại cây ăn quả và diện tích trồng cây keo cũng khá nhiều, hoa rừng nở quanh năm nên rất phù hợp với nuôi ong lấy mật. Gia đình chị Yến đã phát triển đàn ong lên 200 đàn và đặt tại vườn của gia đình hơn 40 đàn, còn lại đặt ở khu vườn của ông bà ngoại. Theo chị Yến, nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không tốn diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn, công chăm sóc khi đã chắc kỹ thuật thì cũng đơn giản.
Có được những thuận lợi như vậy, giờ phải làm thế nào để phát triển được sản phẩm hiệu quả, giá trị kinh tế hơn. Đó là trăn trở của vợ chồng chị Yến. Nhận thấy đa dạng hóa các sản phẩm từ mật ong phục vụ chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng theo hướng xanh và duy trì, phát triển giống bản địa là hướng đi mới mà gia đình chị Yến hướng tới.
Từ mục tiêu đề ra, chị Yến đã có kế hoạch cho việc phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Cụ thể như: Chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm mật ong nguyên chất; đa dạng hóa các sản phẩm mật ong phục vụ chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng theo hướng xanh; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; cung cấp ong giống, dạy cách nuôi ong cho người có nhu cầu. Chị Yến cho biết thêm: Mật ong có giá trị dinh dưỡng cao, có thể sử dụng làm gia vị, nguyên liệu chế biến đồ ăn. Mật ong còn có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh và làm đẹp. Nhận định được những giá trị đó, đặc biệt hiện nay trong cuộc sống bận rộn, phụ nữ không có nhiều thời gian để chế biến các sản phẩm từ mật ong. Chính vì vậy, gia đình đã ngâm mật ong với các sản vật sẵn có tại địa phương (hoa đu đủ đực, dâu tằm, hồng bì…), tạo nên sản phẩm tốt chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó là sản phẩm sáp ong, nhộng ong để ngâm. Gia đình chị Yến hiện mỗi năm thu sản lượng mật trên 15 nghìn lít, thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng. Các sản phẩm từ ngâm mật ong cũng đem lại thu nhập thêm đáng kể và lượng khách hàng phong phú hơn. Cùng với nuôi ong và chế biến các sản phẩm từ mật ong, gia đình chị Yến còn kết hợp trồng cây ăn quả như nhãn, bưởi.
Từ sự đổi mới, năng động và cần cù, chịu khó, sản phẩm từ nuôi ong của gia đình chị Yên ngày càng nhận được sự tin dùng của đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh. Gia đình chị cũng đã khẳng định được uy tín trong cung cấp ong giống cho nhiều hộ có nhu cầu. Đặc biệt, gia đình chị còn chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong cho nhiều hộ trong khu vực. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển đàn ong đem lại giá trị kinh tế cao.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Yến còn là cán bộ hội tích cực. Chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vận động chị em cùng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Chị cũng luôn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, phát luật của Nhà nước. Chị là tấm gương điển hình về tính cần cù, sáng tạo, chung sức vào công cuộc giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
H.D