Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Qua đó không chỉ bảo vệ rừng tốt hơn, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập.


Bà con dân tộc Dao ở xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập. 


Tận dụng lợi thế về đồi rừng, bà con người Tày ở xã Giáp Đắt (Đà Bắc) đã phát triển nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đà Bắc là huyện nghèo với diện tích trên 77.976 ha, đất lâm nghiệp chiếm trên 79% diện tích. Trong đó, đất rừng đặc dụng hơn 5.026 ha, đất rừng phòng hộ hơn 28.574 ha và trên 28.348 ha đất rừng sản xuất. Giai đoạn 2019 - 2023, trên địa bàn huyện thực hiện giao đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình trả về cho địa phương quản lý với diện tích hơn 1.193 ha, huyện đã giao cho các hộ gia đình trên địa bàn. Với lợi thế rừng lớn, huyện Đà Bắc xác định, phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, hằng năm Huyện uỷ, UBND huyện Đà Bắc đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng mới rừng sản xuất, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Bên cạnh đó, nỗ lực nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã trồng trên 3.489 ha rừng và trồng trên 1,5 triệu cây phân tán các loại. Như vậy, bình quân mỗi năm huyện trồng được 697 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với các loại: keo tai tượng thực sinh, bồ đề, trẩu, mỡ, bạch đàn. Theo đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Những năm qua, người dân chú trọng lựa chọn những giống cây trồng đảm bảo nguồn gốc, chất lượng nên chất lượng rừng trên địa bàn huyện ngày một tăng lên. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm, mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm, phát triển.

Xóm Mạ, xã Tú Lý là nơi sinh sống của trên 100 hộ dân người Dao quần chẹt. Những năm qua, bà con đã khai thác hiệu quả hơn 140 ha diện tích rừng để cải thiện, nâng cao thu nhập. Với 5 ha đất rừng, gia đình ông Dương Kim Tuất đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Theo chia sẻ của ông Tuất, trước đây gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nên giá trị kinh tế không cao. Từ khi có đường thuận lợi vào khu sản xuất, gia đình đã chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn. Với chu kỳ khai thác khoảng 5 năm, rừng keo, bạch đàn đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông. "Bên cạnh trồng rừng, gia đình tôi còn kết hợp chăn nuôi, đào ao thả cá. Nhờ đó có được nguồn thu nhập thường xuyên từ rừng, thay vì phải đợi 4 - 5 năm mới có thu nhập từ bán keo”, ông Tuất cho biết.

Tận dụng rừng trồng để phát triển chăn nuôi đang được nhiều hộ dân ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc chú trọng. Mấy năm trước, gia đình anh Lò Văn Tuất (dân tộc Tày), xóm Khem, xã Đoàn Kết đã duy trì nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả trong khu đồi sản xuất rộng gần 3 ha của gia đình. Gần 2 năm trước, khi giá trâu, bò xuống thấp, anh Tuất đã quyết định chuyển sang nuôi lợn bản địa. Theo anh Tuất, nuôi lợn bản địa rất phù hợp vì có đất rộng, nguồn thức ăn sẵn có. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vật nuôi này khá thuận lợi với giá bán ổn định. Nhờ sự linh hoạt đó mà gia đình có được nguồn thu nhập ổn định hơn.

Theo đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những hộ hoạt động sản xuất lâm nghiệp đa số là hộ nghèo, không có vốn để phát triển rừng theo hướng thâm canh. Do đó, thực trạng  rừng bị khai thác non làm nguyên liệu và củi đốt vẫn còn phổ biến. Trong khi phát triển rừng cây gỗ lớn gặp khó khăn do chu kỳ dài, đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ và phát triển rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Viết Đào

Các tin khác


Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học

Khai giảng năm học 2024 – 2025, Trường Liên cấp Dạ Hợp (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) đã có phần đón khách đặc biệt. Đó là màn trình tấu chiêng Mường do các học sinh biểu diễn. Càng bất ngờ hơn khi ngôi trường hiện đại giữa trung tâm thành phố quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trường đã thành lập đội chiêng Mường của học sinh, mời nghệ nhân ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đến truyền dạy chiêng Mường và nhạc cụ dân tộc Mường… Đây chỉ là một trong nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực, có những cách làm khác nhau để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh phát  huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

Đến tổ 1, phường Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình, nhiều người biết đến ông Nguyễn Ngọc Ánh không chỉ bởi sự cần mẫn trong công tác hội, mà còn là người có uy tín tiêu biểu ở khu dân cư. Sinh năm 1942, dù tuổi đã cao nhưng ông Ánh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhiệt tình với công việc của tổ, được người dân trên địa bàn nể trọng.

Đa dạng hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc thiểu số 

Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc có 6 dân tộc chính (Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 64%. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thường xuyên được củng cố và kiện toàn. Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh hiện có 13 đảng bộ trực thuộc với 732 tổ chức cơ sở đảng, 70.192 đảng viên, trong đó có 43.205 đảng viên là người DTTS, chiếm 61,55%. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy và HĐND các cấp đạt tỷ lệ cao.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Pà Cò nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 được Hội LHPN xã Pà Cò (Mai Châu) thực hiện đạt kết quả nhất định. Dự án không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, xóa định kiến trong cộng đồng, mà còn thúc đẩy việc chăm lo đời sống, giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. 

Huyện Cao Phong: Trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế

Theo UBND huyện Cao Phong, giai đoạn 2019-2024, huyện chú trọng thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm cho mọi người dân trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Vấn đề bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn và người nghèo vùng khó khăn cơ bản được giải quyết. Huyện có trên 88% đồng dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục