Tại
ngã 5 phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), các hộ kinh doanh, buôn bán họp chợ lấn
chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị
và vệ sinh môi trường.
Phía trong các ki ốt, cửa hàng chợ Phương Lâm - chợ trung tâm của thành phố Hòa Bình trong ngày 9/2 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng) vắng hoe. Tuy nhiên, đoạn đi qua phố chợ trên tuyến đường Cù Chính Lan lại đông nghẹt kẻ bán, người mua, chợ tạm họp từ sáng sớm cho đến khi trời tối mịt mùng. Hàng hóa bung ra đường chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây, hoa tươi, bóng bay, các điểm bán tranh mừng thọ... Vào ngày thường, mật độ người và phương tiện đi lại trên đoạn đường này đã rất đông nay dịp Tết càng đông hơn, thêm cảnh họp chợ tràn đường gây ách tắc cục bộ ở nhiều thời điểm. Ái ngại hơn cũng với tình trạng nêu trên, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán thiếu ý thức xả rác, nước thải giết mổ ngay tại lòng, lề đường gây ô nhiễm, vất vả cho đội ngũ những người làm công việc vệ sinh môi trường.
Ngày 10/2 (tức ngày mồng 7 tháng Giêng) tại khu vực chợ Tân Thịnh phía trung tâm bờ trái Sông Đà cũng tràn lan tái diễn cảnh họp chợ lấn chiếm lòng, lề đường. Hộ buôn bán, kinh doanh "bạ đâu, ngồi đấy" còn khách chỉ cần tạt xe vào lề đường, thậm chí dừng xe giữa lòng đường để mua hàng. Vẫn với những hàng hóa chủ yếu bán chạy sau Tết như thịt lợn, thịt bò, cá, tôm, ngao, việc bày bán, giết mổ, sơ chế ngay tại lòng, lề đường đã khiến đường phố trở nên nhếch nhác sau Tết, môi trường và an toàn giao thông không đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Thiết, chủ một ki ốt quần áo thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh cho biết: Các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống tùy tiện bày bán ngay trước cửa ki ốt của gia đình tôi. Tầm trưa và chiều tối là ô nhiễm kinh khủng nhất. Các loại nước thải, nội tạng sau giết mổ cá tươi đổ xuống vô tội vạ, nhiều lúc lai láng ra đường, bốc mùi hôi tanh khiến nhiều ki ốt xung quanh dù đã chọn ngày đẹp để mở hàng nhưng phải đóng cửa để tránh ô nhiễm.
Kể từ mồng 2 Tết, hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đã họp trở lại nhằm đáp ứng việc tiêu dùng, mua sắm của nhân dân. Chợ Tết họp sớm đã phục vụ tốt hơn nhu cầu từ phía người mua. Tuy nhiên, cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, môi trường đi liền với mỹ quan đô thị, cụ thể là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi họp chợ tại các nút giao thông, trực đường có mật độ người và phương tiện đi lại đông.
Thực trạng chợ cóc, chợ tạm tràn đường, nhất là họp chợ vào dịp trong, sau Tết sau nhiều năm đã trở thành thói quen bởi những tiện lợi mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ chưa thể "một sớm, một chiều" dẹp bỏ. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang tồn tại tình trạng này. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để hộ buôn bán, kinh doanh có ý thức hơn trong việc xây dựng văn minh đô thị, văn hóa giao thông, thói quen họp chợ đúng nơi quy định. Theo ghi nhận của chúng tôi đến ngày mồng 7 tháng Giêng, khi cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã đi làm trở lại, một số chợ đã hoạt động bình thường và họp ở đúng nơi quy định. Một số chợ tạm, chợ cóc vẫn còn duy trì họp chợ lấn đường trong một vài ngày tới. Hiện nay, lực lượng quản lý trật tự đô thị các xã, thị trấn, phường đang triển khai ra quân nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình họp chợ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để thiết lập lại trật tự đô thị, chống tái lấn chiếm trong và sau Tết, qua đó sớm ổn định, đưa hoạt động của các chợ sớm đi vào nề nếp.