Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Đỗ Đức Thương, thôn Lý Hưng, xã Lạc Hưng (Yên Thủy) cho thu nhập khá, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đồng chí Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Lạc Hưng cho biết: "Trước những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó xác định nông - lâm nghiệp là hướng đi bền vững để cải thiện thu nhập. Năm 2018, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn xã được mở rộng lên gần 40 ha, diện tích kinh doanh đạt trên 10 ha, tập trung tại các xóm: Cây Báy, Lý Hưng, Liên Hợp… Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm với số lượng 150.000 con. Tận dụng nguồn tài nguyên rừng, các hộ dân mở rộng diện tích rừng trồng mới đạt 60 ha, nâng tổng số diện tích rừng sản xuất lên 943 ha. Trên địa bàn xã có 26 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, chủ yếu vận tải hàng hóa, buôn bán nhỏ lẻ”.
Bên cạnh đó, chính quyền xã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề hàn xì, may mặc; tập huấn, chuyển giao KH-KT trồng trọt, chăn nuôi. Huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong năm 2018, Dự án Giảm nghèo đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật với tổng kinh phí 429 triệu đồng. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng CSXH, NN&PTNT huyện tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 24,2 tỷ đồng.
Đến thăm gia đình anh Đỗ Đức Thương ở thôn Lý Hưng, một trong những hộ tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh của xã. Hiện, gia đình anh phát triển sản xuất trên diện tích vườn 1,8 ha, trong đó trồng 700 gốc bưởi. Năm 2018, gia đình anh cải tạo diện tích vườn tạp, xây dựng chuồng trại phát triển mô hình chăn nuôi gà giống Lạc Thủy, tiếp tục trồng mới và duy trì diện tích rừng keo khoảng 1 ha. Anh Thương cho biết: "Tôi bắt đầu làm vườn từ năm 1998 và từng thất bại với nhiều giống cây ăn quả như nhãn, vải… Nguyên nhân do không có kinh nghiệm, chưa áp dụng KH-KT vào quá trình sản xuất. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức, tôi thay đổi cách làm để thích ứng với thị trường tiêu thụ. Năm 2018, gia đình tôi xuất ra thị trường 4,5 tấn thịt gà, giá thành khoảng 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một số gốc bưởi đã cho thu bói. Năm 2018, tổng thu nhập đạt 400 triệu đồng chưa trừ chi phí".
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với gia đình anh Thương cũng như các hộ dân trên địa bàn là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm chưa có đầu ra, giá thành thấp. Nguyên nhân do chất lượng sản phẩm không cao, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó tập trung chủ yếu vào trồng cây có múi, phát triển mô hình gà giống Lạc Thủy... Tích cực học hỏi, áp dụng KH-KT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Qua đó từng bước nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Anh