Tết ấm áp, đủ đầy
Những năm gần đây, đi chợ Tết không đơn thuần là để mua sắm, mà còn là nét đẹp văn hóa, dịp du xuân mà người vùng sâu không thể bỏ qua. "Trước đây, đi chợ Tết chỉ đểmua mắm, muối, bánh kẹo, mứt Tết và một số thực phẩm thiết yếu. Còn ngày nay, kinh tế phát triển hơn rồi.Tết phải sắm thêm cây quất, cành đào để trang trí nhà cửa”- ông Nhần, một người dân xã Lỗ Sơn chia sẻ.
Người dân xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) mang đào rừng về trưng Tết.
Trong những ngày Tết, nếu như người phụ nữ bận rộn với công việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa thì đàn ông lại bận rộn với việc "chạy sô” đi mổ lợn. "Ngày xưa còn khó khăn thì 4 – 5 nhà đụng chung một con lợn, còn ngày nay thì nhiều lắm chỉ 1 – 2 nhà đụng lợn, còn đa số là mỗi nhà mổ một con. Không khí ngày Tết rất vui, anh em mổ xong lợn nhà này lại chuyển sang giúp nhà khác, cứ luân phiên như vậy”, anh Bùi Văn Chính, xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) cho hay. Pheo vốn là một trong những xóm khó khăn nhất tỉnh, thế nhưng, với sự quan tâm của các cấp ủy,chính quyền, bản Mường nàyđã và đang từng ngày đổi thay khi điện, đường đã về với bản.
Còn ở một số xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn, như Phú Lương, Chí Đạo, Phúc Tuy thì trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà còn có cả thịt trâu, thịt bò. Các xã giáp ranh với huyện Lạc Sơn như Gia Mô, Lỗ Sơn (Tân Lạc) thì thịt trâu, thịt bòtrở thành thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết.29 Tết, khi chúng tôi đến, gia đình ông Bùi Văn Tính, xóm Rên (xã Gia Mô) đã mổ thịt con trâu thứ ba trong ngày mà vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của bà con. Đó là những minh chứng cho thấysự đổi thay ngày càng tích cực trong đời sống của bà con các dân tộc trong tỉnh, nhất là ở những khu vực còn nhiều khó khăn.
Xuân tràn đầy hy vọng
Thời khắc chuyển giao sang năm mới, pháo hoa nổròn rã, lung linh ở TP Hòa Bình và một số thị trấn trong tỉnh.Đólà lúcchuyển giao sang năm mới, mọi công việc năm cũ gác lại, bà con các dân tộc cùng nhau đón Tết theo phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Tết năm nay, nắng ấm chan hòa, thuận lợi cho người dân du xuân. Người đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, người thì du xuân, cầu tài lộc ở các chốn tâm linh. Trên địa bàn tỉnh, những địa điểm tâm linh như: Tượng đài Bác Hồ bên công trình thủy điện Hòa Bình, chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình), đền Bồng Lai (Cao Phong), đền chúa Thác Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), chùa Tiên (Lạc Thủy)...là những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. "Đã thành thông lệ, sau khi đi chúc Tết họ hàng, gia đình, tôi lại lên đền chúa Thác Bờ. Đây là chốn linh thiêng. Lên đó cảm thấy tâm hồn thư thái, tràn đầy năng lượng để chuẩn bị cho năm mới”, bà Nguyễn Thị Tâm, người dân ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chia sẻ.
Sau Tết, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức thi đấu thể dục, thể thao. Ảnh chụp trong khuôn khổ Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) năm 2019.
Bao giờ cũng vậy, sau Tết, lễ hội luôn là điểm đến thu hút đông đảo bà con đi du xuân. Những lễ hội khai hạ ở các vùng Mường rộng lớn như: Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ mùng 4, mùng 5 Tết, ở nhiều khu dân cư đã diễn ra các giải đấu thể thao. Để tuyển chọn vận động viên tham gia tranh tài tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi, ngày mùng 6 Tết, các xã như Gia Mô, Đông Lai (Tân Lạc) đã tổ chức giải kéo co, đẩy gậy. Ở huyện Lạc Thủy, chùa Tiên khai hội vào mùng 4 tết. Ở huyện Mai Châu, Lễ hội Gầu Tào diễn ra vào mùng 6 Tết đãthu hút đông đảo du khách thập phương đến trảy hội.
"Vui xuân không quên nhiệm vụ”, từ mùng 4 Tết, trên các cánh đồng, chúng tôi đã thấy bà con ra đồnggieo trồng vụ chiêm xuân. Tiết trời ấm áp, nước về sớm nên vụ mùa này bà con đều thể hiện sự phấn khởi, tin tưởng vào mùa vụ bội thu và một năm mưa thuận, gió hòa.Trong những hình ảnh đầy ấn tượng của ngày Tết, chúng tôi ấn tượng hơn cả về lá cờ đỏ sao vàng được nhà nhà treo trang trọng, bất kể là ở thị thành hay vùng sâu, vùng xa. Đó là sự tươi mới, tinh thần mới để nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực "bứt phá” trong năm Kỷ Hợi 2019./.