(HBĐT) - Sau hơn 4 năm kể từ khi cơn bão lịch sử tháng 10/2017 đi qua, gần 30 hộ dân sinh sống tạm thời tại khu vực Suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) vẫn loay hoay "gượng dậy” sau thiên tai. Đời sống gia đình bị đảo lộn, kinh tế bấp bênh, hệ thống hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu dân sinh... Thực tế đó là nỗi niềm trăn trở của 120 nhân khẩu tại khu Suối Tào hiện sinh sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.


Hộ dân tại khu Suối Tào, xóm Bao (Giáp Đắt) tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày. 

Trong căn nhà sàn chật chội của bà Lường Thị Điểm, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2017, đồ dùng chỉ có chiếc bóng đèn thắp sáng và tủ quần áo cũ kỹ, xập xệ. Theo bà Điểm, ngôi nhà của gia đình đã hư hỏng hoàn toàn sau trận lũ lịch sử cùng với toàn bộ đồ dùng, thiết bị có giá trị. Để nhanh chóng ổn định cuộc sống, gia đình bà đã sử dụng số tiền tích góp và vay mượn thêm người thân để dựng căn nhà ở tạm. Khó khăn chồng chất khó khăn khi kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, thu nhập bấp bênh. Tại nơi ở mới, nước sinh hoạt chủ yếu được kéo từ các mó nước về sử dụng, nguồn điện chỉ đủ dùng để thắp sáng.

Bà Điểm trăn trở: "Sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi được hỗ trợ di chuyển về nơi ở mới dựng tạm nhà ở. Để có tiền trang trải cho 8 nhân khẩu, các thành viên phải đi làm thuê ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công việc không ổn định. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ các hộ dân trong xóm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”. 

Theo khảo sát thực tế, tại khu Suối Tào hiện có gần 30 hộ dân sinh sống tạm thời, trong đó gần 20 hộ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lịch sử năm 2017 - 2018, còn lại là các hộ gặp khó khăn về nhà ở được chính quyền xã hỗ trợ, bố trí nơi ở mới. Khu Suối Tào có địa hình bằng phẳng, vị trí thuận lợi để xây dựng nhà cửa, phát triển sản xuất... Tuy nhiên chưa được quy hoạch xây dựng khu tái định cư (TĐC), do đó hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm... chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các hộ dân sinh sống tại khu vực này hiện tập trung phát triển kinh tế đồi rừng với diện tích trên 40 ha (giá trị kinh tế từ cây trẩu đạt 70 - 75 triệu đồng/ha). Chính quyền các cấp đã hỗ trợ kinh phí làm hơn 1 km đường giao thông, nhưng vẫn còn các tuyến đường liên xóm, đường sản xuất là đường đất lầy lội, do đó cước phí vận chuyển cao, tư thương ép giá. Đường điện, nước sinh hoạt còn sơ sài, tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của Nhân dân. 

Đồng chí Lường Văn Thảo, Trưởng xóm Bao cho biết: "Các hộ dân được chính quyền bố trí nơi ở mới trên địa bàn xóm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt. Đường giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước sinh hoạt dẫn từ khe núi chưa qua kiểm nghiệm. Một số hộ dân sinh sống tại cuối xóm thường xuyên trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt, các hộ dân phải sử dụng đường dây thông tin (cáp điện thoại) kéo điện về nhà để tiết kiệm chi phí. Nguồn điện yếu, chỉ đủ thắp sáng, không sử dụng được các thiết bị như ti vi, tủ lạnh. Quá trình kéo điện cách xa hàng trăm mét bằng cột chống tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn”.

Xác định những khó khăn, bất cập tại cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND huyện lập quy hoạch khu TĐC Suối Tào tại xóm Bao khoảng 10 ha. Từ đó để có nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Đồng thời giúp các hộ nhanh chóng ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Triệu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Giáp Đắt cho biết: "Việc xây dựng khu TĐC suối Tào tại xóm Bao là việc cấp thiết, nhằm ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2017. Xã mong muốn các cấp quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đầu tư xây dựng, đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn, chuyển giao KHKT cho Nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện giúp Nhân dân ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập và giảm nghèo bền vững”. 

Đức Anh

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục