(HBĐT) -Là xã gần trung tâm hơn một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc nhưng Tân Minh vẫn là xã nghèo và khó khăn nhất huyện. Toàn xã có 1.405 hộ với hơn 4 nghìn nhân khẩu, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 50,8%, hộ cận nghèo chiếm 20,82%. Xã đã hoàn thành 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bộ phận một cửa UBND xã Tân Minh (Đà Bắc) cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân.
Kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu từ trồng rừng, chăn nuôi gia súc và trồng lúa. Xã có diện tích tự nhiên trên 7 nghìn ha, chủ yếu là đồi núi chia cắt, diện tích trồng rừng gần 2.000 ha, diện tích lúa 2 vụ trên 160 ha, 80 ha trồng cây nông nghiệp, còn lại là đất rừng phòng hộ. Tận dụng diện tích rừng, Nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, tuy nhiên việc chăn nuôi chỉ nhỏ lẻ ở các hộ dân với tổng đàn khoảng hơn 1.600 con. Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ manh mún, chỉ phục vụ tự cung, tự cấp quanh vùng. Xã đã phối hợp khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi gà, trồng cây lâm nghiệp, khai thác tiềm năng địa phương. Hiện, xã trồng thử nghiệm cây mận cơm, quế, đẩy mạnh chăn nuôi bò, lợn, khuyến khích chế biến lâm sản tại chỗ tăng thu nhập cho người dân. Nhằm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, xã phối hợp các ngân hàng triển khai cho vay các khoản vốn vay chính sách.
Đồng chí Xa Văn Thao, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngoài những khó khăn trên xã còn gặp khó về đường giao thông không thuận lợi. Trên địa bàn có 5 ngầm qua suối. Những năm gần đây, xã thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, khi mưa lũ, giao thông bị chia cắt bởi ngầm nhỏ, nước lớn. Cách đây vài năm cũng đã có người tử nạn bởi những ngầm tràn. Khi có lũ lụt việc tiếp tế, hỗ trợ các xã vùng cao bị đứt gãy. Do vậy, phát triển KT-XH bị ảnh hưởng mà còn cản trở việc cứu trợ nhiều xã vùng cao. Ngoài ra, tình trạng mất điện ở địa phương thường xuyên xảy ra do dân số tăng, một số hộ sản xuất, kinh doanh sử dụng điện nhiều nên trạm biến áp không cung cấp đủ điện dẫn đến thường xuyên bị nhảy áp, mất điện.
Để thoát nghèo, ngoài dựa vào nguồn lực từ bên ngoài, xã huy động mọi nguồn lực, tận dụng thế mạnh địa phương phát triển kinh tế. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực hiện hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập bằng cách thực hiện tốt chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng. Vận động người dân tích cực áp dụng tiến bộ KH-KT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những giống cây, con phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Việt Lâm