Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước (hơn 73%), Bắc Kạn có số lượng đông đảo các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, gắn với rừng. Bên cạnh phát huy hiệu quả tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng, việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào yên tâm giữ rừng là điều được địa phương nỗ lực thực hiện.

Kiểm tra mô hình thâm canh cây hồng không hạt tại huyện Ba Bể. (Ảnh: ANH THÚY)

Kiểm tra mô hình thâm canh cây hồng không hạt tại huyện Ba Bể. (Ảnh: ANH THÚY)

Xã Kim Hỷ (huyện Na Rì) có 10 thôn, bản với hơn 1.900 nhân khẩu, trong đó nhiều thôn, bản nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Để hỗ trợ người dân, theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng với 33 cộng đồng thôn, mức khoán 150.000 đồng/ha/năm, tổng diện tích giao khoán là 9.250 ha rừng.

Đồng thời sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ rừng để hỗ trợ người dân trong vùng lõi và vùng đệm của Khu bảo tồn tháo gỡ khó khăn và nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Đến nay, hợp phần hỗ trợ sản xuất đã giúp 54 thôn với hơn 2.600 hộ được hưởng lợi. Hợp phần hỗ trợ xây dựng được triển khai tới 143 thôn với gần 7.500 hộ được hưởng lợi, nhiều công trình điện lưới, nước sạch, làm đường giao thông... phục vụ sinh hoạt của đồng bào được đầu tư xây dựng.

Thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, diện tích đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo kết quả nghiệm thu là hơn 410.600 lượt ha, đạt 99,80% kế hoạch.

Các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo các nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng đã được ký kết giữa các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, bản,... đối với việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, nhờ đó đã hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán.

Để đa dạng hóa công tác bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân, mới đây, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai dự án "Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCC) của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể”.

Dự án thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP), với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023. Mục tiêu tập trung vào các hoạt động vệ sinh rừng và bảo tồn loài kiến; tập huấn vệ sinh rừng theo kỹ thuật bảo đảm chức năng phòng hộ của rừng; tập huấn về khai thác sử dụng trứng kiến theo hướng bảo tồn.

Ngoài ra, thực hiện trồng cây dược liệu và trồng mới, cải tạo, thâm canh cây ăn quả đặc sản. Đến nay, Dự án đã trồng 1,2ha cây hoài sơn, 3.000m2 giảo cổ lam, 1ha hồng giống LT1; cải tạo, thâm canh 2 ha hồng không hạt địa phương...

Để khai thác nguồn lợi từ rừng, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn triển khai dự án "Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức và buôn bán không bền vững nguồn tài nguyên dược liệu.

Trong quá trình thực hiện dự án, cộng đồng dân cư đã thành lập một tổ hợp tác và 15 nhóm thu hái dược liệu bền vững. Từ lợi ích cụ thể, người dân càng có ý thức, đoàn kết đồng lòng bảo vệ rừng và khai thác phụ phẩm từ rừng đặc dụng một cách khoa học, hiệu quả.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, mặc dù giao khoán bảo vệ là hình thức hiệu quả để giữ rừng kết hợp với tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhưng thời gian qua, Bắc Kạn không đủ kinh phí để thực hiện. Riêng năm 2021, tỉnh giao khoán bảo vệ hơn 58.645ha rừng phòng hộ, hơn 16.638ha rừng sản xuất.

Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ bố trí được kinh phí để chi trả tiền giao khoán bảo vệ đối với diện tích chuyển tiếp thuộc các xã khu vực I (hơn 7.948ha). Những diện tích giao khoán các xã khu vực II, khu vực III hiện chưa bố trí được kinh phí. Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, lực lượng kiểm lâm tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu xây dựng chính sách khoán bảo vệ tương xứng để người dân yên tâm giữ rừng; đồng thời có quy định cụ thể phân loại rõ ràng những diện tích rừng nào được phép cải tạo, trồng bổ sung để người dân có cơ hội làm giàu từ rừng.

Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Xã Phong Phú quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(HBĐT) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền xã Phong Phú (Tân Lạc) quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm hộ nghèo trong xã.

Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Ngày 16/12, BHXH Việt Nam tổ chức trao tặng 15 sổ BHXH và 100 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn ở xã Sào Báy và Vĩnh Đồng (Kim Bôi). Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam...

Đảng ủy Công an tỉnh: Đối thoại với lực lượng đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ

(HBĐT) - Ngày 16/12, Công an tỉnh tổ chức chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Công an tỉnh với thanh niên và phụ nữ. 

Giúp hành khách tìm lại 500 triệu đồng bỏ quên tại sân bay Nội Bài

Chiếc vali chứa 500 triệu đồng bỏ quên tại khu vực công cộng Nhà ga hành khách T1 (Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài) đã được nhân viên an ninh hàng không phát hiện và trao trả nguyên vẹn cho hành khách.

Agribank chi nhánh huyện Cao Phong bàn giao 10 nhà Đại đoàn kết

(HBĐT) - Agribank chi nhánh huyện Cao Phong vừa phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức hội trên địa bàn huyện bàn giao 10 nhà Đại đoàn kết, trị giá 300 triệu đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chính sách được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tích cực triển khai nhằm phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Mặc dù có những khó khăn do địa hình vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí hạn chế, tuy nhiên, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, mang lại hiệu quả thiết thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục