(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Thủy có một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc và hàng chục xưởng may nhỏ phân bố ở các xã Yên Trị, Ngọc Lương, Lạc Thịnh… đang cần nguồn lao động. Vì lẽ đó, người dân địa phương quan tâm đến việc làm tại chỗ, cũng như có nhu cầu được tham gia học các lớp nghề.


Công ty CP S Life tại xã Yên Trị (Yên Thủy) phối hợp đào tạo nghề may, tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện vào làm việc.

Năm 2022, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại các xã: Lạc Thịnh, Đa Phúc, Hữu Lợi, Đoàn Kết với tổng số 138 học viên. Hầu hết lao động sau kết thúc khóa đào tạo được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp may mặc lớn như Công ty CP S Life (xã Yên Trị), Công ty CP may Yên Thủy (xã Ngọc Lương). Lao động làm việc tại các công ty may trên được trả lương theo sản phẩm, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã liên kết với doanh nghiệp may mặc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.     

Đồng chí Bùi Thanh Tuyền, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết: Bên cạnh các nghề phi nông nghiệp, Trung tâm chú trọng đào tạo nghề dựa vào thế mạnh của địa phương và nhu cầu của người dân. Trong năm, Trung tâm đã mở 5 lớp nuôi gà thả vườn tại các xã: Phú Lai, Bảo Hiệu, Lạc Sỹ, Đa Phúc, Ngọc Lương. 118 học viên là nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã tham gia lớp học. Nhờ được hướng dẫn, trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bà con phát huy trong thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, duy trì được nghề lâu dài gắn với sức tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. 

Để công tác liên kết đào tạo và đào tạo nâng cao chuyển biến mạnh mẽ, UBND huyện tăng cường gắn kết 3 nhà "nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ. Trong năm, từ nguồn kinh phí phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện mở 2 lớp kỹ thuật trồng rau an toàn tại xã Phú Lai; 4 lớp kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò tại xã Lạc Lương, Bảo Hiệu; 2 lớp kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong lấy mật tại xã Đoàn Kết. Các lớp đào tạo theo chương trình dưới 3 tháng với 254 học viên.

Bằng các nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và từ nguồn ngân sách huyện, UBND huyện triển khai 24 lớp đào tạo nghề cho 650 lao động nông thôn. Số lao động được giải quyết việc làm toàn huyện ước đạt gần 1.000 người, thực hiện 110% chỉ tiêu kế hoạch năm; lao động qua đào tạo ước đạt 65%, trong đó 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. 

Đồng chí Vũ Ngọc Nam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp để giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động. Tăng cường đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đa dạng hóa hình thức hợp tác như xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, ký kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề cho lao động... 

 Linh Nhật

Các tin khác


Tạo sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng

Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước (hơn 73%), Bắc Kạn có số lượng đông đảo các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, gắn với rừng. Bên cạnh phát huy hiệu quả tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng, việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào yên tâm giữ rừng là điều được địa phương nỗ lực thực hiện.

Nhìn lại kết quả hoạt động các cấp Công đoàn năm 2022

(HBĐT) - Năm 2022, tình hình KT-XH từng bước phục hồi; đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) trong tỉnh nhìn chung được cải thiện, hoạt động công đoàn có nhiều điểm mới, trách nhiệm, linh hoạt, thiết thực, kịp thời, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ được tổ chức thường xuyên hơn.

Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hòa Bình: Tiếp tục tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ tại thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương giai đoạn 2

(HBĐT) - Từ ngày 14/12, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hòa Bình, Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 6 bộ hài cốt liệt sỹ của các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 48, Liên khu 3 (trước đây), hy sinh trong trận đánh bốt Đồi Mồi thuộc thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương trong kháng chiến chống Pháp khoảng từ năm 1947 - 1950, được Nhân dân an táng tại các khu vực xung quanh (thuộc giai đoạn 2).

Lan tỏa yêu thương từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”

(HBĐT) - Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu” của Ban Thường vụ Hội phụ nữ (HPN) Bộ Công an (nay là Ban Công tác phụ nữ) và Hội LHPN tỉnh, HPN Công an tỉnh đã triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình đã góp phần lan tỏa tình yêu thương trong toàn lực lượng công an...

Niềm vui từ mô hình “Ngân hàng bò”

(HBĐT) - Được triển khai từ năm 2013 do T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, Hội CTĐ tỉnh và các cấp Hội huyện, thành phố đã trao hàng trăm con bò giống qua chương trình "Ngân hàng bò” cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Qua những cặp bò sinh sản, số lượng bò tăng lên theo từng năm, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Xã Phong Phú quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(HBĐT) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền xã Phong Phú (Tân Lạc) quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm hộ nghèo trong xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục