(HBĐT) - Ly hôn là quyền nhân thân của mỗi công dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ lụy của việc ly hôn là không hề nhỏ. Với sự gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội như hiện nay thì ly hôn thực sự là vấn đề cần quan tâm.


Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được tăng cường, góp phần hạn chế mâu thuẫn trong gia đình.  Ảnh: Một tiết mục trong Hội thi hòa giải viên giỏi xã Yên Quang (Kỳ Sơn). 

Số vụ ly hôn tăng hàng năm

Đồng chí Nguyễn Văn Can, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, TAND hai cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết trên 7.370 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó có 7.167 vụ xin ly hôn, chiếm 97,1%, còn lại là các vụ việc về tranh chấp, thay đổi người trực tiếp nuôi con (sau ly hôn), xác định cha, mẹ cho con...

Cũng qua số liệu thống kê của ngành Tòa án cho thấy: số vụ xin ly hôn trên địa bàn tỉnh năm 2016 tăng 5% so với năm 2015; năm 2017 tăng 16,6% so với năm 2016; năm 2018 tăng 3% so với năm 2017. Nếu tính trung bình tỷ lệ các cặp vợ chồng xin ly hôn từ năm 2015 đến nay tăng 5,25%/năm. Độ tuổi ly hôn từ 18 - 30 tuổi là phổ biến. Trong đó, năm 2015 có 253 cặp xin ly hôn; năm 2016 có 480 cặp; năm 2017 có 608 cặp; năm 2018 có 349 cặp và nửa đầu năm 2019 có 144 cặp từ 18-30 tuổi xin ly hôn. Có cặp vợ chồng ly hôn chỉ sau vài tháng kết hôn.

Những hệ lụy 

Hậu quả của việc ly hôn có thể nhìn rõ đó là sự sang chấn nặng nề về tâm lý của các thành viên trong gia đình, nhất là ở những người con. Nếu trước đây, các bậc cha mẹ xem đứa con như "báu vật" và quyết tâm giành nuôi, vì sợ người kia chăm lo cho con mình không chu đáo, thì nay nhiều trường hợp chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ chu cấp. Có trường hợp, sau ly hôn còn phải dốc sức lo trả những khoản nợ chung, hoặc gây dựng cuộc sống mới nên không thể lo cho con cái… Bởi thế, sau ly hôn, nhiều trường hợp con cái về ở với ông bà, thiếu sự quan tâm, chăm sóc dễ bị tổn thương.

Còn nhớ cách đây 10 năm, khu dân cư nơi tôi sinh sống, râm ran vì chuyện cháu H. bị xâm hại tình dục ở tuổi 13. Bố mẹ ly hôn, người xây dựng gia đình mới, người đi làm ăn xa, cháu H. được gửi về ở với ông bà. 13 tuổi cháu lớn phổng phao, xinh đẹp nên sớm được các anh trai làng để ý. Một tối, trên đường đi học nhóm về, cháu đã bị xâm hại. Tất nhiên, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã bị trừng trị đích đáng theo quy định của pháp luật và cả sự lên án của xã hội. Nhưng sự tổn thương về thể xác, tinh thần ở người bị hại khó có thể chữa lành, nhiều trường hợp mang theo sự tự ti, mặc cảm đến suốt cuộc đời.   

Thực tế, vì tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng trẻ hóa nên đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng khá nhiều. Theo thống kê của ngành Tòa án, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 353 cặp ly hôn khi các con đang ở độ tuổi chưa thành niên. Tỷ lệ này có chiều hướng tăng dần: năm 2016 là 522 cặp; năm 2017 là 632 cặp; năm 2018 là 652 cặp và nửa đầu năm 2019 có 367 cặp. Những con số biết nói này đã phần nào trả lời cho câu hỏi vì sao có sự gia tăng tai - tệ nạn xã hội ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tình trạng xâm hại trẻ em và gia tăng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... trên địa bàn. 

Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

Có rất nhiều hệ lụy khi "đường tình chia đôi ngả”- các cặp vợ chồng dắt nhau ra tòa. Không chỉ ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Bởi vậy, cần sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là chính quyền và các đoàn thể cơ sở chung tay, góp sức để giảm thiểu tình  trạng này. 

Ngành Tòa án kiến nghị tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; đấu tranh chống lối sống ích kỷ, thực dụng; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình. Một mặt, tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cung cấp tới từng cá nhân trong mỗi gia đình kiến thức, kỹ năng như: kỹ năng làm cha, mẹ; kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình... Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, xóm, khu dân cư, quy chế dân chủ cơ sở. Chỉ đạo chính quyền cơ sở phát triển các tổ hòa giải để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, không để trở nên trầm trọng. Giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Kế thừa, phát huy những giá trị  truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Triển khai, thực hiện nghiêm túc các luật liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở... để giảm thiểu tình trạng ly hôn trên địa bàn.

 Thúy Hằng

Tăng cường công tác tuyên truyền để xóa bỏ định kiến về giới

Hoàng Thị Duyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

Hiện nay, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên mâu thuẫn gia đình. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nhưng nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng, còn công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là "thiên chức” của phụ nữ. Đặc biệt, ở vùng cao, sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc, phụ nữ thường là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông dành thời gian cho việc làng, việc họ, những cuộc rượu chè…, đổ gánh nặng gia đình lên đôi vai người phụ nữ.

Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Hội LHPN. Thời gian qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, mời các chuyên gia nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, thành phần mời tham dự cân bằng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, khi đến dự những cuộc tọa đàm, nói chuyện đó chủ yếu là phụ nữ, vì vậy, hiệu quả tuyên truyền không cao. Để từng bước xóa định kiến về giới, tạo sự bình đẳng trong mỗi gia đình, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong xây dựng gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình... Bởi khi có kiến thức, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới sẽ biết xử lý tình huống để hoà giải mâu thuẫn và có kinh nghiệm để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Thí điểm mô hình tư vấn kiến thức hôn nhân và gia đình 

Hoàng Xuân GiaoBí thư Tỉnh Đoàn

Theo số liệu thống kê, độ tuổi bình quân kết hôn ở Hòa Bình ngày càng trẻ hóa: năm 2016, độ tuổi trung bình của nữ là 21,2 tuổi, nam 23 tuổi; năm 2017, nữ 21 tuổi, nam 23 tuổi; năm 2018, nữ 20 tuổi, nam 22 tuổi... Thực tế, việc yêu nhanh, cưới vội khiến các cặp vợ chồng trẻ rơi vào tình trạng thiếu kiến thức về hôn nhân, gia đình. Cụ thể là cách ứng xử, bất đồng trong nuôi dạy con... dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn.

Để góp phần giảm thiểu các vụ việc ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ, Tỉnh Đoàn tăng cường phối hợp để tuyên truyền, giáo dục nhân cách đạo đức, cách ứng xử cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức tiền hôn nhân cho các bạn trẻ. Đề nghị các cấp, ngành hữu quan cùng nghiên cứu tham mưu, đề xuất tỉnh cho chủ trương xây dựng "Ðịa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh" hay "Ngôi nhà bình yên”... tại cộng đồng để vừa tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản, vừa chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tăng cường công tác hòa giải, truyền tải những thông điệp về giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Nhiều trẻ em rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt do cha mẹ ly hôn

Nguyễn Thị Linh Ngọc Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Theo số liệu từ phần mềm quản lý trẻ em cấp xã ngành LĐ-TB&XH cập nhật, phần lớn trẻ em có cha mẹ ly hôn, hoặc sắp ly hôn rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào nhóm trẻ này. Nguyên nhân do: Sau việc ly hôn của cha mẹ, trẻ thường bị xao nhãng, bỏ mặc, dẫn đến bị ảnh hưởng về tâm lý (tự ti, mặc cảm hoặc nổi loạn). Không có sự bao bọc của cha mẹ, nhiều trẻ bị xâm hại về thể chất (bạo hành) và không ít trẻ bị xâm hại tình dục (nhiều trường hợp bố dượng, chú, bác ruột xâm hại con, cháu...). Sự sang chấn tâm lý ở trẻ nhỏ thường dễ dẫn đến căn bệnh tự kỷ, còn ở lứa tuổi vị thành niên dễ sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo nắm bắt tình hình ở 2 Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 và số 2 (do Sở LĐ-TB&XH quản lý), có khá nhiều trường hợp học viên là nạn nhân của các vụ ly hôn.

Để giảm thiểu đối tượng trẻ em này, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tăng cường phối hợp với các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn để tránh việc trẻ bị sốc về tâm lý. Một mặt, tăng cường công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, tránh tình trạng người dân đi làm ăn xa gây rạn nứt gia đình.

 

 


Các tin khác


Giải pháp chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - LTS: Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu được hơn 1 tháng, các nhà trường đã tiến hành việc họp phụ huynh đầu năm. Một trong những vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm nhất hiện nay là các khoản đóng góp của con em trong năm học mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp đã, đang được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai để không xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

(HBĐT) - Năm an toàn giao thông (ATGT) 2019 có chủ đề "ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”. Căn cứ tinh thần chỉ đạo của của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo chung cũng như chỉ đạo riêng trong từng lĩnh vực, thời điểm cụ thể và đôn đốc các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, tình hình TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến tích cực giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Khó khăn trong quản lý chất thải rắn - cần những giải pháp hữu hiệu

(HBĐT) - Cùng với sự phát triển KT-XH, dân số, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tỉnh đã có sự quan tâm trong chỉ đạo, quản lý, xử lý CTR nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường từ CTR là vấn đề được người dân quan tâm, cần tiếp tục có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Phát triển kinh tế tập thể cần lượng và chất

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự thích ứng, bởi nếu không có một tư duy mới, cách nhìn mới cùng các hành động, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang tính bền vững thì các HTX khó có thể trụ vững, khó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của loại hình KTTT trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp

(HBĐT) - Mỗi năm, nhu cầu sử dụng 3 loại vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần khoảng 1.900 tấn lúa, 700 tấn ngô giống; 145.000 tấn phân bón, trong đó, 45.000 tấn đạm urê, 55.000 tấn lân, 35.000 tấn ka li; 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa thiết yếu quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng và việc sử dụng mặt hàng này được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường sinh thái.

Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối của xã hội

(HBĐT) - Từ ngày 1/7/2008, Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, là công cụ pháp luật để xử lý những hành vi BLGĐ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, duy trì sự ổn định của gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra thường xuyên, trở thành vấn đề nhức nhối tại tỉnh ta. BLGĐ gây nên những tổn hại nghiêm trọng đối với cá nhân và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục