(HBĐT) - Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách mới mang lại nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS, việc triển khai chính sách BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề người dân quan tâm chính là cơ hội để người nghèo, DTTS tiếp cận được với dịch vụ y tế cao, đảm bảo chất lượng từ tuyến cơ sở. 



Với chính sách cấp thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn, nhiều hộ DTTS nghèo xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. 

Bảo hiểm y tế - cơ hội cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số 

Không may mắc căn bệnh khô da sắc tố, em Xa Văn Thành, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) thường xuyên phải ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, để có tiền lo cho con chống chọi với bệnh tật, gia đình em Thành đã phải rất cố gắng. May mắn, gia đình là đồng bào DTTS thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên Thành được BHYT thanh toán 100% chi phí nằm viện. Vì vậy, cũng đã giúp gia đình em phần nào khó khăn.

Em Thành không phải là trường hợp duy nhất có được cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế cao do chính sách BHYT cho đồng bào DTTS mang lại. Hiện nay, theo báo cáo của BHXH tỉnh, tỷ lệ người DTTS được hưởng các chính sách về BHYT ngày càng cao. Năm 2015, toàn tỉnh cấp 363.151 thẻ BHYT cho người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đến năm 2018, số thẻ cấp cho người DTTS vùng khó khăn đạt 413.472 thẻ, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 297 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, nhiều tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo, trong đó có hộ đồng bào DTTS. 

Tại hội nghị giám sát của HĐND tỉnh về chính sách BHYT cho đồng bào DTTS, đồng chí Trần Thị Hoa, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS luôn được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chi khám, chữa bệnh BHYT cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 819.636 triệu đồng cho hơn 1 triệu lượt khám. Tần suất khám, chữa bệnh cũng tăng qua các năm, năm 2015 là 0,53% lượt/thẻ, đến nay là 0,72% lượt/thẻ. Kết quả đó là nhờ những chính sách mới về BHYT được ban hành theo hướng ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia BHYT. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc tổ chức đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu dựa trên điều kiện thực tế về tổ chức y tế tại địa phương. Do đó, đồng bào DTTS tham gia BHYT được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe. Thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tại các tuyến huyện, xã. Quy định này tạo điều kiện cho người tham gia BHYT lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp với tình trạng bệnh tật mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT. Đặc biệt, ngành cũng đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của ngành và giải quyết các chính sách BHYT.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng; trạm y tế, phòng khám quân - dân y, thuộc các xã vùng sâu, xa thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng làng văn hóa - sức khỏe, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình… Chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) cũng được triển khai thực hiện hiệu quả tại cơ sở, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.

Mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Qua thực tiễn tại tuyến y tế cơ sở, việc triển khai Luật BHYT vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, trong đó, có nhiều chính sách đã tác động đến đồng bào DTTS. Theo đồng chí Bùi Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT triển khai xuống địa phương còn chậm, trong khi đó, quy định tại một số văn bản của Trung ương còn vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong triển khai. Đồng tình quan điểm này, đại diện BHXH huyện Đà Bắc nêu: Vướng mắc hiện nay giữa danh mục kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT, ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh và Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, có một số dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT có tên gọi chưa trùng khớp nên việc áp giá để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Bên cạnh những bất cập về cơ chế, chính sách, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cũng là một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Anh Bùi Văn Phương, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cho biết: Có thẻ khám, chữa bệnh BHYT nhưng mỗi khi ốm đau tôi thường xuống khám trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Thậm chí con bị ốm, tôi vẫn phải đưa ra thành phố Hòa Bình khám, mua thuốc, rất ít khi khám và dùng thuốc tuyến y tế xã vì nhiều loại thuốc đặc trị không có, bác sỹ cũng chỉ khám được các bệnh thông thường.  

Theo đánh giá của ngành BHXH tỉnh, một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay của công tác khám, chữa bệnh BHYT chính là chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là y tế tuyến xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đội ngũ y, bác sỹ, còn thiếu, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Nhiều địa phương vùng khó khăn, để đảm bảo tỷ lệ bác sỹ trên/vạn dân là vô cùng khó khăn. Ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ lệ cán bộ, y, bác sỹ so với giường bệnh hiện nay còn thiếu khoảng 300 cán bộ. Toàn huyện Đà Bắc hiện có 14/17 trạm y tế có bác sỹ; huyện Lạc Sơn đến thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện có 43 bác sỹ, trong đó, công tác tại các trạm là 13 bác sỹ. Nhiều huyện khác, tình trạng thiếu y, bác sỹ cũng diễn ra tương tự. Chính vì vậy, mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao, nhưng số lượt người khám, chữa bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT ở cơ sở đạt thấp, nhất là ở vùng DTTS và miền núi chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó, người DTTS chủ yếu khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở. Như vậy, phần lớn chi phí khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở vùng DTTS và miền núi không được sử dụng hết, phải điều tiết ngược về cho các vùng phát triển, nơi có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.

Trước thực trạng đó, ngành BHXH tỉnh quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và lợi ích về khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS và miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao ở vùng DTTS, miền núi. Tiếp tục tăng cường bác sỹ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sỹ là người DTTS để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Đinh Hòa 

Có cơ chế chính sách thu hút y bác sỹ có trình độ, tay nghề làm việc tại tuyến y tế cơ sở

Tạ Mạnh Hùng
 Phó Giám đốc BHXH huyện Mai Châu

Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh, có tổng dân số trên 55.000 dân. Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, người DTTS chiếm đa số, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cần có những cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ có trình độ chuyên môn, tay nghề về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở đảm bảo về số lượng để phục vụ nhân dân. 
 
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm y tế 

Nguyễn Thị Ngọc Hà 
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi

Kim Bôi là huyện có dân số đông, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT ở hộ DTTS khá cao. Tuy nhiên, do những khó khăn trong chính sách áp dụng BHYT, vẫn còn những trường hợp không thanh toán được bảo hiểm, đặc biệt là đối với nhiều loại dịch vụ y tế chất lượng cao. Vì vậy, để thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung, BHYT đối với đồng bào DTTS nói riêng, rất cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về BHYT, thực hiện các chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào DTTS. Ban hành những quy chuẩn về khám chữa bệnh, giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá thuốc, vật tư y tế sử dụng cho người bệnh BHYT. 

Đưa chính sách bảo hiểm y tế đến với bà con vùng sâu, vùng xa

Bùi Văn Long
Xã Yên Thượng (Cao Phong)

Là đồng bào DTTS sống ở vùng khó khăn, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Có thể nói, chính sách trên đã giúp cho nhiều hộ nghèo, dân tộc vùng sâu, xa được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhưng thực tế, nhiều hộ còn rất lơ mơ, thiếu hiểu biết về chính sách này. Đặc biệt là về các thủ tục, giấy tờ khi đi khám. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành BHXH, các cơ quan có chức năng tổ chức hướng dẫn, phổ biến cho người dân những thủ tục thực hiện khám, chữa bệnh bằng BHYT để chúng tôi không bị sai thông tin hoặc khó khăn trong việc thanh toán sau khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. 



Các tin khác


Tháo gỡ khó khăn công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sỹ

(HBĐT) - Trải qua các cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, theo tiếng gọi của Đảng, hàng vạn người con quê hương Hòa Bình lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, 5.777 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, 3.956 thương binh, bệnh binh để lại một phần xương máu ở các chiến trường… Đây là niềm vinh dự, tự hào về những đóng góp to lớn của quân và dân trong tỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách, nhất là việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh.

Phòng, chống xâm hại trẻ em - S.O.S

(HBĐT) - Xâm hại trẻ em (XHTE), đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng lớn đến cả gia đình và xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ xâm hại trẻ em. Không chỉ gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng tăng lên ở cấp số nhân. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm và cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đẩy lùi.

Giải pháp chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - LTS: Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu được hơn 1 tháng, các nhà trường đã tiến hành việc họp phụ huynh đầu năm. Một trong những vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm nhất hiện nay là các khoản đóng góp của con em trong năm học mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp đã, đang được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai để không xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

(HBĐT) - Năm an toàn giao thông (ATGT) 2019 có chủ đề "ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”. Căn cứ tinh thần chỉ đạo của của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo chung cũng như chỉ đạo riêng trong từng lĩnh vực, thời điểm cụ thể và đôn đốc các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, tình hình TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến tích cực giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Khó khăn trong quản lý chất thải rắn - cần những giải pháp hữu hiệu

(HBĐT) - Cùng với sự phát triển KT-XH, dân số, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tỉnh đã có sự quan tâm trong chỉ đạo, quản lý, xử lý CTR nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường từ CTR là vấn đề được người dân quan tâm, cần tiếp tục có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Phát triển kinh tế tập thể cần lượng và chất

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự thích ứng, bởi nếu không có một tư duy mới, cách nhìn mới cùng các hành động, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang tính bền vững thì các HTX khó có thể trụ vững, khó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của loại hình KTTT trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục