(HBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã có chuyển biến tích cực. Nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Từ những hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả

HTX Nông nghiệp Ngọc Lương, huyện Yên Thủy có 13 thành viên, đi vào hoạt động từ năm 2014 theo Luật HTX năm 2012. Xác định các khâu dịch vụ kinh doanh là điều kiện quyết định cho kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng khẳng định sự đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên. Trong những năm qua, HTX đã mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ. HTX có các ngành nghề chủ yếu như: Cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, vật tư, phân bón các loại, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, đào tạo dạy nghề trong nông nghiệp... Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển KTTT và thực tiễn tại địa phương, Hội đồng quản trị cùng cán bộ HTX xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh; phát huy tối đa những thuận lợi sẵn có, những cây trồng truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường; thực hiện liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, HTX được hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng cửa hàng vật tư nông nghiệp cung ứng các dịch vụ cho các hộ xã viên và cộng đồng.


Sản phẩm thịt gà của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Thuận Phát, xã Thành Lập (Lương Sơn) xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Bên cạnh các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, những năm gần đây, bà con cùng Ban Hội đồng quản trị HTX có nhiều cố gắng trong việc điều hành SX - KD, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân. Theo đó, HTX đã đấu nối với các doanh nghiệp cung ứng giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để lan rộng. Năm 2018, HTX phối hợp với Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Bộ KH&CN thực hiện mô hình thâm canh giống lúa LTH 31, quy mô 60 ha cho hiệu quả cao tạo đầu ra sản phẩm lúa ổn định cho thành viên HTX. Năm 2019, HTX tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi, lạc và lúa cho nông dân. HTX mới cung cấp vật tư, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu giống bưởi Diễn cho nông dân diện tích 30 ha. Doanh thu của HTX năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thành viên.

HTX rau an toàn Quyết Chiến, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) từ khi đi vào hoạt động (tháng 4/2018) đã giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ 60 ha rau su su của xã. Từng có thời điểm, tiêu thụ rau su su gặp khó khăn, sụt giá, khó tiếp cận với thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bởi lý do chưa được biết đến như một thương hiệu. Sau nhiều nỗ lực, tháng 8/2016, "su su Tân Lạc" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể mở ra cơ hội mới cho cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Tân Lạc. Bước ngoặt quan trọng nữa là tháng 4/2017, được sự hỗ trợ của tổ chức GNI (Hàn Quốc) phát triển các loại rau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đảm bảo liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Hoạt động sản xuất và tiêu thụ rau an toàn là vấn đề xương sống trong vận hành HTX. Theo đó, diện tích 17 ha rau sau su của các hộ thành viên được chứng nhận VietGAP chính là chìa khóa vàng để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước.


Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương, huyện Yên Thủy có 30 ha bưởi Diễn trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập khá.

Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ: "Điều mà người tiêu dùng cần là sản phẩm sạch, có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với 7 tháng thu hái trong năm, rau su su VietGAP cho sản lượng 63 tấn/ha, thu nhập bình quân khoảng khoảng 400 triệu đồng/ha. Hiện, sản phẩm rau su su của HTX có đầy đủ tem nhãn, bao bì đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích rau VietGAP và tham gia các hội chợ để kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin để nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định".

Tìm hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 209 HTX đang hoạt động, chiếm 72,06% tổng HTX trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: trồng và kinh doanh cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực, rau màu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp; nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ sông Đà... Trong đó, phần nhiều HTX hoạt động trồng trọt (khoảng 95%). Sản lượng cung cấp ra thị trường của các HTX trồng cam Cao Phong trong vụ ước đạt 75 tấn/ngày; sản lượng cung gà thịt Lạc Sơn khoảng 1,95 tạ/ngày, gà giống khoảng 640 con giống/ngày; sản lượng cung cá nuôi ở lòng hồ sông Đà ước đạt 2 tạ/HTX/ngày; sản lượng cung lợn bản địa khoảng 1,6 tạ/HTX/ngày; các loại rau mầu được HTX cung cấp ổn định ra thị trường, có nơi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của khách thu mua. Một số mặt hàng như rau hữu cơ Lương Sơn, rau su su Tân Lạc, cam Cao Phong... đã đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn. Hầu hết HTX vừa tổ chức cung ứng dịch vụ đầu vào, kỹ thuật và đầu ra cho thành viên vừa kết hợp tự tổ chức sản xuất mô hình trình diễn, nhưng sản lượng hàng hóa tiêu thụ qua HTX chưa cao, nhiều nơi còn phụ thuộc thương lái để tiêu thụ. Một số HTX như: HTX Hà Phong (Cao Phong), HTX Đà Giang (TP Hòa Bình), HTX nông lâm nghiệp Bảo hiệu (Yên Thủy) đã tổ chức chế biến được sản phẩm cho thành viên.

Các HTX nông nghiệp thường có vốn điều lệ không nhiều, song nếu tính gộp cả tài sản, đất sản xuất (thành viên sở hữu) mà HTX quản lý có tổng giá trị rất lớn. Trong đó, những HTX trồng cây có múi quy mô có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Số lượng thành viên HTX trong khoảng từ 18-25 thành viên/HTX; thu nhập bình quân của 1 hộ thành viên HTX khoảng 50 triệu đồng/năm. Trong đó, nhóm trồng cây có múi thu nhập cao hơn đạt trên 200 triệu đồng/năm. Qua đánh giá có 95 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; có 7 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh cho rằng: Trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX làm nhiều khâu dịch vụ, áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung... có xu hướng tăng lên. Đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới, sản xuất, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Các HTX giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gia tăng sự gắn kết cộng đồng. Thu nhập của người lao động trong các HTX từng bước ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng cần thường xuyên rà soát, đánh giá các HTX; tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài; giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa. Tập trung chỉ đạo, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân và xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản... Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT-XH ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.

Việc phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn đang là bài toán với nhiều lời giải. Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp có bước chuyển mình thực sự, cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ pháp lý, Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng xúc tiến thương mại...

Đinh Thắng


Nhóm ý kiến: 

Phát huy vai trò xây dựng kế hoạch hỗ trợ hợp tác xã phát triển

Với vai trò là "bà đỡ”, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác và HTX. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức tín dụng hướng dẫn HTX và tổ hợp tác vay vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phân bổ vốn tín dụng ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, hàng hóa để hỗ trợ HTX tiếp cận vốn tín dụng, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hỗ trợ liên hiệp HTX, HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra cho HTX; đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình HTX. Để phát triển theo chiều sâu, nội tại HTX cần nghiêm túc nhìn nhận yếu kém, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khoa học, tích cực huy động vốn từ thành viên, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động mở mang ngành nghề thích hợp để tăng nguồn thu.

Trần Văn Thành

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Tự nguyện tham gia hợp tác xã

Một nguyên tắc cơ bản để HTX tồn tại và phát triển là các thành viên HTX phải hoàn toàn tự nguyện, không bị gò ép. Mục tiêu hoạt động của HTX là thu nhập và sự hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ chứ không đề cao tiêu chí lợi nhuận cho HTX. Bởi thế, phương thức hoạt động của các HTX là lấy thành viên làm trọng tâm. Các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình, HTX chỉ làm những việc mà các cá nhân đơn lẻ không thể làm được hoặc làm không hiệu quả. Ngoài ra, yếu tố đánh giá hiệu quả của các HTX nông nghiệp còn là hiệu quả kinh tế nông sản. Do vậy, việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo kết nối cung - cầu là yếu tố quan trọng để HTX hoạt động ổn định, người dân tin tưởng, tập trung sản xuất. Chính vì vậy, thời gian qua, các HTXNN đã tích cực kết nối doanh nghiệp với thành viên trong sản xuất lúa, rau màu. Tích tụ đất đai, khắc phục phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng chuyên canh cũng là điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường. Các địa phương cần linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách trong hỗ trợ KTTT, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng trụ sở, khu vực sản xuất, chế biến của các HTX.

Nguyễn Văn Danh

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn


Mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh

Khó khăn của HTX hiện nay là thiếu vốn để mở rộng sản xuất nhưng không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, thiếu quỹ đất để mở rộng sản xuất... Sản phẩm của các HTX có chất lượng, bước đầu hình thành thương hiệu. Tuy nhiên, việc liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình triển khai liên kết ở các HTX trong tỉnh, tôi nhận thấy nhiều HTX vẫn còn ngại đứng ra tổ chức sản xuất, kết nối doanh nghiệp với các thành viên. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất cho các HTX chưa đủ mạnh để các HTX thực sự vào cuộc. HTX mong muốn được hỗ trợ, tư vấn xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bảo đảm hiệu quả, xác định những lĩnh vực và sản phẩm tham gia hợp tác liên kết với các hộ thành viên và với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Nguyễn Thái Học

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì (Kim Bôi)


Các tin khác


Phòng, chống xâm hại trẻ em - S.O.S

(HBĐT) - Xâm hại trẻ em (XHTE), đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng lớn đến cả gia đình và xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ xâm hại trẻ em. Không chỉ gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng tăng lên ở cấp số nhân. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm và cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đẩy lùi.

Giải pháp chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - LTS: Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu được hơn 1 tháng, các nhà trường đã tiến hành việc họp phụ huynh đầu năm. Một trong những vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm nhất hiện nay là các khoản đóng góp của con em trong năm học mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp đã, đang được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai để không xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

(HBĐT) - Năm an toàn giao thông (ATGT) 2019 có chủ đề "ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”. Căn cứ tinh thần chỉ đạo của của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo chung cũng như chỉ đạo riêng trong từng lĩnh vực, thời điểm cụ thể và đôn đốc các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, tình hình TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến tích cực giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Khó khăn trong quản lý chất thải rắn - cần những giải pháp hữu hiệu

(HBĐT) - Cùng với sự phát triển KT-XH, dân số, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tỉnh đã có sự quan tâm trong chỉ đạo, quản lý, xử lý CTR nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường từ CTR là vấn đề được người dân quan tâm, cần tiếp tục có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Phát triển kinh tế tập thể cần lượng và chất

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự thích ứng, bởi nếu không có một tư duy mới, cách nhìn mới cùng các hành động, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang tính bền vững thì các HTX khó có thể trụ vững, khó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của loại hình KTTT trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp

(HBĐT) - Mỗi năm, nhu cầu sử dụng 3 loại vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần khoảng 1.900 tấn lúa, 700 tấn ngô giống; 145.000 tấn phân bón, trong đó, 45.000 tấn đạm urê, 55.000 tấn lân, 35.000 tấn ka li; 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa thiết yếu quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng và việc sử dụng mặt hàng này được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường sinh thái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục