(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kim Bôi đã phối hợp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về sửa đổi Luật Đất đai để mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Bằng các hình thức lấy ý kiến như góp ý trực tiếp bằng văn bản, qua thư điện tử, tổ chức hội nghị, hội thảo, MTTQ huyện đã tổng hợp được 2.239 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 


Huyện Kim Bôi tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kim Bôi, qua tổng hợp các ý kiến cho thấy, Nhân dân đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật sửa đổi. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới sát với tình hình thực tế hiện nay và kế thừa Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần giải thích từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu hơn, đồng thời đưa ra các quy định cụ thể, dễ thực hiện, tránh mâu thuẫn với các điều khoản trước đó cũng như các bộ luật có liên quan. Đặc biệt, nhiều ý kiến thể hiện sự quan tâm đến nội dung quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cần sát thực tế, phù hợp với cả khu vực thành thị và nông thôn.

Cụ thể, tại Điều 49: Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ); góp vốn bằng QSDĐ. Về việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng QSDĐ lúa là phù hợp, tuy nhiên nên bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không được nhận chuyển nhượng đất lúa như tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không nhận chuyển nhượng QSDĐ lúa để tránh nguy cơ người nông dân không có đất để sản xuất.

Tại Điều 50: Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm. Dự thảo Luật đã quy định khi thực hiện quyền này cần phải đảm bảo các tiêu chí sau: Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.

Thấy rằng đây là quy định mới cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm trên các khía cạnh KT-XH, hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là việc thế chấp ngân hàng vay vốn. Đồng thời nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm. Người thuê đất trả tiền hàng năm có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể, chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích QP-AN; thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc SDĐ. Tuy nhiên còn một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện. Cụ thể, Điều 77: Thu hồi đất vì mục đích QP-AN, đề nghị bổ sung việc thu hồi đất ở thôn, xóm do thôn, xóm quản lý, đề nghị cấp huyện ra quyết định thu hồi, đảm bảo thời gian. Điều 78: Thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng: Việc thu hồi đất chưa có sự thống nhất nhận thức và trách nhiệm, phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ mục đích các trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, nên có các trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa Nhà nước, chủ đầu tư và người SDĐ nhằm giúp các địa phương có sự chủ động trong việc thu hồi đất.

Tại điểm e, khoản 2, Điều 78 quy định: Dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng đề nghị điều chỉnh bổ sung là: "Dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng không nhằm mục đích kinh doanh”. Vì nếu nhằm mục đích kinh doanh phải chuyển sang thành dự án thỏa thuận nhận chuyển nhượng. Như vậy sẽ bình đẳng hơn, không phân biệt địa vị, giàu nghèo trong xã hội, người dân khi qua đời đều quyền được vào.

Đối với Điều 121 về chuyển mục đích SDĐ, người dân đề nghị bổ sung việc chuyển đổi mục đích SDĐ rừng sang đất ở cho những vùng nông thôn không có đất xây dựng nhà ở, phải sử dụng các loại đất khác. "Việc chuyển mục đích SDĐ không thuộc quy định tại điều này thì người SDĐ phải đăng ký biến động theo quy định của pháp luật", đề nghị quy định rõ việc chuyển mục đích không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có cần phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ hay không? Vì nội dung này trong Luật Đất đai không quy định cụ thể dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, không biết áp dụng thế nào là đúng.

Đinh Hòa

 

Các tin khác


Khởi sắc bức tranh nông thôn mới

Từ Nghị quyết số 02, ngày 7/6/2011 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 02) đã tạo những đột phá, "vẽ” nên bức tranh tươi sáng trên mảnh đất cửa ngõ Thủ đô.

Xã Lỗ Sơn: Nghị quyết về công tác dân tộc góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó từng bước giúp xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Xã Mỹ Hòa: Đồng thuận xây dựng nông thôn mới nâng cao

(HBĐT) - Với sự đồng thuận của người dân và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tháng 12/2020, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã tiếp tục thực hiện các kế hoạch, giải pháp, thi đua xây dựng quê hương, phát triển KT-XH bền vững, hoàn thiện các tiêu chí để đạt xã NTM nâng cao vào năm 2025 theo lộ trình đã đề ra.

Xã Ngọc Mỹ vượt khó xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) mới đạt 4 tiêu chí. Sau 11 năm, xã đã hoàn thành chương trình XDNTM.

Xóm Hải Phong – miền quê tươi đẹp

(HBĐT) - Từ một làng quê nghèo, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã vươn lên trở thành miền quê tươi đẹp...

Huyện Mai Châu: “Tổ liên gia tự quản” góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Từng là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm do có số người nghiện nhiều. Tuy nhiên, phát huy vai trò của 42 tổ liên gia tự quản (LGTQ) về an ninh trật tự (ANTT) trong toàn xã, Vạn Mai từng bước đẩy lùi tội phạm, tai tệ nạn xã hội, giữ vững địa bàn ổn định về ANTT, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, tình huống đột xuất, bất ngờ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục