Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn
Tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 3 triệu tỷ đồng nợ công, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 30 triệu đồng nợ công, dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ lên đến 4,2 triệu tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Tảo (Lâm Đồng) cho rằng, nợ công đã và đang là mối quan tâm của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần hơn 60% GDP, rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. "Điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới?”, đại biểu Nguyễn Tảo đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng chất vấn về giải pháp bảo đảm an toàn nợ công nhưng vẫn bảo đảm nguồn vốn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là đúng.
Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và bảo đảm an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%). Thời gian vừa qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Hiện Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật nợ công sửa đổi.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.
Từ 1-7-2017, chúng ta hạn chế vay ODA vì phải trả lãi suất cao, cần tập trung vốn vay cho các dự án quan trọng.
Ngoài ra, cần xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Năm nay bội chi 3,5%, năm 2018 là 3,8%, 2019 xuống 3,6% và 2020 xuống 3%. Tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Năm ngoái gần như Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp, chỉ giải ngân các dự án đã bảo lãnh trước đó. Hai ngân hàng chính sách chỉ được bảo lãnh cho phát hành ngang bằng số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.
Việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, hiện cũng đang kiên quyết trong giới hạn Quốc hội thông qua.
"Nhìn chung cần tiếp tục kiểm soát nợ công nhưng bước đầu các phương pháp đang triển khai đúng. Vừa qua, đã từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả. Các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn cho phép”, Bộ trưởng nói.
Thời gian qua sau cơ cấu lại nợ, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước còn gần 61%. Nợ nước ngoài trên 39%. Sau 2017, nợ trong nước tăng lên, lãi suất giảm xuống, kỳ hạn dài ra.
Rõ ràng cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ thay đổi lớn. Năm ngoái, 78% là của ngân hàng thương mại, nay là 54% nhờ phát triển mạng lưới thông qua quỹ bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư.
Nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả lại vô cùng xấu
Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời thêm về hiệu quả đầu tư công. Theo đại biểu này, hiệu quả của đầu tư công mới là linh hồn. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả lại vô cùng xấu. "Chúng ta sẽ thiệt hại kép, vừa trả lãi, vừa trả bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả . Vừa rồi có 12 doanh nghiệp, tập đoàn không hiệu quả, đội vốn đầu tư đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nền kinh tế, uy tín quốc gia", đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói. Đại biểu cho rằng, không đầu tư được thì không phát triển được, nhưng đầu tư không hiệu quả thì càng xấu hơn.
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật đầu tư công, việc quyết định các dự án còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách. Khi đó, mỗi giai đoạn có khoảng hơn 20.000 dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, khả năng bao nhiêu giải ngân được nên việc dàn trải, thất thoát, dừng, giãn hoãn rất lớn.
Trong giai đoạn 2016-2020 còn hơn 1.000 dự án nữa, giảm đi rất nhiều so với trước đây, bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung để xử lý dứt điểm. Ông cũng nêu thực tế các dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế. "Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng và bộ ngành liên quan xây dựng định mức tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư hợp lý", ông nói.
Tiếp tục chất vấn về nợ công, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) lo lắng trước tình trạng nợ công đang tăng cao, đe dọa túi tiền quốc gia. "Tình trạng này có chấm dứt trong thời gian tới và giải pháp nào bảo đảm hiệu quả quản lý chất lượng đầu tư công 2015-2020?", ông Sinh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6,7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đồng tình với việc chuyển đổi từ vay nước ngoài sang trong nước. Nhưng theo đại biểu này, vay trong nước hay nước ngoài đều là vay và đều kèm theo trả nợ gốc và lãi. "Như vậy cốt lõi vẫn là hiệu quả đầu tư", đại biểu này nhấn mạnh.
Qua giám sát, đại biểu Mai Bộ cho biết có dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư lò mổ tập trung ở địa phương nhưng không hoạt động mà vẫn vay. "Dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy. Dự án mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 nữa. Bộ trưởng có biết tình hình hiệu quả đầu tư cho nhóm vay này đang không hiệu quả không? Nếu biết sẽ như thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.
Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công
Cùng tham gia trả lời chất vấn về nợ công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công", theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả... Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện các chủ trương lớn về vấn đề này.