Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội (QH) năm 2019; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2019. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật Chăn nuôi và Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi).


Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tập trung giám sát những vấn đề "nóng”

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật CAND (sửa đổi) nêu rõ, trong thời gian qua QH đã thông qua nhiều luật, bộ luật có những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật CAND năm 2014 nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật CAND (sửa đổi) nêu rõ, việc sửa đổi Luật trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật quy định khác với Luật CAND năm 2014, như: không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng... Do đó, với tinh thần nhất quán trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các nội dung này cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật khi được ban hành.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2019. Theo đó, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm. Tính đến ngày 27-4-2018, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 190 nội dung kiến nghị. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định hai trong các nội dung, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2019, các đại biểu QH đều tán thành với các nội dung dự kiến đã đề ra và đề nghị tập trung vào hai nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018. Các đại biểu QH: Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cùng một số đại biểu cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 14% dân số cả nước, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi vẫn cao, nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao. Tuy nhiên, những năm qua, vấn đề này chưa có cuộc giám sát tối cao nào của QH.

Các đại biểu: Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng một số đại biểu kiến nghị đưa vào chương trình giám sát vấn đề liên quan bạo hành và xâm hại trẻ em. Dẫn các số liệu về các vụ việc liên quan vấn đề này, các đại biểu cho rằng, những giải pháp hiện hành chưa thật sự hiệu quả bởi các vụ việc đang có xu hướng tăng và nhiều vụ việc nghiêm trọng. QH cần có những động thái mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa. Bên cạnh đó, một số đại biểu QH đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Bởi cùng với tốc độ phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều dịch vụ, cơ sở kinh doanh, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Những nơi này sử dụng nhiều năng lượng cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Đổi mới tổ chức bộ máy của CAND

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về các dự án Luật CAND (sửa đổi) và Luật Chăn nuôi. Theo đó, nhiều đại biểu tán thành với việc sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo hướng không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về vấn đề quân hàm sĩ quan không gắn với chức trách, nhiệm vụ tương đương. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, cần quy định sĩ quan CAND buộc phải đạt các tiêu chuẩn nhất định mới được thăng quân hàm tương đương chức vụ được giao. Qua đó, tránh tình trạng tự động thăng quân hàm theo thâm niên khi chưa đạt tiêu chuẩn, thành tích yêu cầu. Về vấn đề hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, đại biểu Lợi cho rằng, việc giao Bộ trưởng Công an quy định tuổi "nghỉ hưu” của các lực lượng nêu trên là trái với Luật Lao động hiện hành.

Nhiều đại biểu hoan nghênh Bộ trưởng Công an đã đưa nhiều vấn đề thực tiễn vào dự án Luật nhằm cải cách, giải quyết các thực trạng tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến đối với những quy định mới về lực lượng công an xã. Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, việc giao Chính phủ quản lý lực lượng này là bước lùi về mặt lập pháp, bởi nước ta đã có Pháp lệnh công an xã và thực tế đã dự kiến xây dựng hẳn một bộ luật về lực lượng này. Vì vậy, hiện nay nếu muốn "nâng cấp” công an xã lên thành lực lượng chính quy thì phải gộp các quy định liên quan lực lượng này vào luật.

Thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu lưu ý, các chính sách trong dự án Luật còn dài, nhưng những điều khoản thuộc về trách nhiệm thì không rõ ràng, nhất là có điều khoản khó khả thi, điển hình như quy định về cấm chăn nuôi trong phạm vi nội thành, nội thị. Bởi hiện nay, nhiều người dân trong phạm vi nội thành, nội thị đã và đang nuôi thả nhiều loại vật nuôi với mục đích kinh doanh. Cần xem xét, nếu các hoạt động chăn nuôi không gây ô nhiễm, không gây hại đến an ninh, tính mạng người khác... thì không nhất thiết phải cấm hoàn toàn, qua đó tạo điều kiện sinh kế cho người dân. Về định nghĩa "hoạt động chăn nuôi có khả năng gây hại”, có đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm "gây hại”. Thực tế cho thấy, ở thành thị có nhiều gia đình nuôi chó, mèo chưa tiêm ngừa nhưng lại thả rông, vậy đây liệu đã được đánh giá là "gây hại” hay chưa? Theo đó, trách nhiệm ngăn ngừa những tác nhân "gây hại” như vậy cần được quy định rõ hơn, thay vì giao "khoán” cho các đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Việc thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát sau khi kết thúc giám sát, vẫn còn có nơi, có tổ chức chưa quan tâm. Bởi vậy, các nội dung giám sát chỉ "để đó”. Việc sửa đổi các văn bản vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình giám sát còn chậm. Những kiến nghị của cử tri được giải quyết bằng các văn bản rất chung chung, tồn đọng nhiều. Bởi vậy, cần đưa những vấn đề này vào nội dung giám sát của Quốc hội.

Đại biểu ĐỖ THỊ LAN (Quảng Ninh)

Mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng ba tỷ USD thức ăn chăn nuôi. Các con giống mới, giống tốt hầu như đều phải nhập khẩu. Sản xuất cũng chưa theo chuỗi liên kết mà vẫn phụ thuộc quá nhiều vào sự lên xuống của cung - cầu. Cần bổ sung những chính sách thích hợp để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, con giống...

Đại biểu NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (Bến Tre)



                                                 TheoNhandan

Các tin khác


Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sáng 29/3, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Đại hội Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029

Ngày 28/3, Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, ngày 28/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Huyện Lạc Thủy: Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Thuỷ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV

Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục