Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng chính phủ đã nêu bật những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện cải cách hành chính đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy KT – XH phát triển.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra về cải cách hành chính, ngày 8/8/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký ban hành Công văn số 985/QĐ-TTg quyết định Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về "Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”. Tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ: hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận "một cửa” các cấp, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong việc giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định 61. Mục tiêu cụ thể đặt ra là các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc kiện toàn bộ phận một cửa các cấp theo quy định chậm nhất trong quí IV/2018. Việc bố trí trụ sở, trang thiết bị được chia thành các nhóm để bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tế, yêu cầu đến năm 2020 các xã vùng sâu, vùng xa cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và bộ, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng như đề xuất một số nội dung với chính phủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 61. Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ để vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công của các địa phương, phải thực hiện "3 giảm, 4 tại chỗ, 8 công khai”.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải chấn chỉnh, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính; nghiêm túc xử lý các phản ảnh của cá nhân, tổ chức phản ánh về giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc công tác xử lý kỷ luật cũng như khen thưởng. Quan tâm đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính; ngăn ngừa tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền. Các bộ, ngành địa phương cần phối hợp với Văn phòng chính phủ xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện liên thông thủ tục hành chính, thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia các giao dịch trực tuyến.
Dương Liễu