Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại trường PTDTNT THPT tỉnh ngày 24/5/2016.
Giai đoạn 33 năm (1958 - 1991), trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình đạt được những thành tựu nổi bật trên cả 2 lĩnh vực: Lao động sản xuất và giáo dục - đào tạo. Nhà trường đã đào tạo được hơn 10 nghìn học sinh các thế hệ từ cấp tiểu học đến đại học; tạo nguồn, cung cấp trên 400 cán bộ cấp tỉnh, ngành, huyện và hơn 600 cán bộ xã, thôn, bản. Ngoài ra, nhà trường sản xuất được khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu "tự cung – tự cấp”. Nhiều học sinh của trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của các ban, ngành Trung ương, của tỉnh và các huyện, thành phố, có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH, đảm bảo AN – QP của đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thầy và trò trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành mô hình nhà trường điển hình được nhân rộng trên toàn quốc, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Năm 1970, trường đã được tôn vinh là 1 trong 3 lá cờ đầu ngành giáo dục toàn quốc. Ngày 29/8/1985, nhà trường vinh dự được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lao động”.
Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về củng cố, phát triển các trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 7/11/1991, trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình đổi tên thành trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình và chuyển về địa điểm mới ở phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình. Nhà trường chính thức bước sang một giai đoạn mới với những mục tiêu, nhiệm vụ mới được đề ra nhằm phục vụ đắc lực cho việc đổi mới và xây dựng đất nước XHCN.
Kế thừa truyền thống Thanh niên lao động XHCN, những năm qua, trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ; công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể được quan tâm, nội bộ nhà trường đoàn kết. Phương pháp dạy học được thường xuyên đổi mới, nhiều em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Cơ sở vật chất nhà trường được chăm lo. Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch các năm học, dẫn đầu phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt” các trường THPT toàn tỉnh và các trường phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc; được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý; năm 2017 được tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Đến nay, nhà trường đã có trên 80% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 16 giáo viên có trình độ thạc sĩ. Hàng năm, chất lượng 2 mặt giáo dục được nâng cao, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt đạt từ 97 - 99%; học lực khá, giỏi luôn đạt trên 80%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được phát huy và đạt nhiều thành tích xuất sắc, giai đoạn 2010 - 2018, toàn trường có 869 học sinh giỏi cấp tỉnh, 18 học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, dự bị đại học hằng năm được nâng cao, năm học 2017 - 2018 đạt 97%. Nhà trường có nhiều sáng tạo trong quản lý, chăm sóc học sinh, giúp các em nội trú đảm bảo về sức khỏe và phát triển tốt về thể lực, duy trì nề nếp sống tự quản lành mạnh, văn hóa, góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh ta; được cấp ủy, chính quyền và phụ huynh và học sinh tin tưởng, tín nhiệm.
Đạt được những thành quả như vậy là do có sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương qua các thời kỳ; sự chỉ đạo, chăm lo của ngành GD&ĐT cùng với nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn của các thế hệ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích xuất sắc của trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT (tiền thân là trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình) đã phấn đấu đạt được trong 60 năm qua.
Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT, các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm hơn nữa đối với trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT; tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường yên tâm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần tập trung lãnh đạo tìm các giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ điều kiện thuận lợi, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, phấn đấu dạy và học tốt, trong đó cần chú ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ và phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong mọi hoạt động của nhà trường. Tăng cường kỷ cương, nề nếp trường học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tiên tiến, điển hình.
2. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013); tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục của nhà trường theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện theo định hướng tăng cường kỹ năng tư duy, phát triển năng lực, thể chất, khả năng làm việc nhóm; gắn chương trình giáo dục phổ thông với giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, giáo dục kiến thức về lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương cho học sinh. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh trong những năm học tới, tập trung đào tạo học sinh giỏi mũi nhọn; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng mũi nhọn cho những học sinh giỏi của trường để tham gia thi tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia và khu vực.
3. Nhà trường cần chủ động phối hợp, đề xuất với các cơ quan liên quan để lập phương án cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao thể chất cho học sinh.
4. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy học và học tập của học sinh.
5. Thường xuyên chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ, chính sách đầy đủ cho đội ngũ giáo viên và học sinh theo quy định. Tạo điều kiện, động viên cán bộ, giáo viên tự học và tham gia nghiên cứu khoa học và các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục.
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT đã khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Chúng ta tin tưởng rằng, cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự phát triển của tỉnh Hòa Bình, trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tiếp tục phát triển ngày càng vững mạnh, giành được nhiều thành tích mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.