(HBĐT) - Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn xoay quanh các vấn đề cử tri quan tâm. Đại diện các sở, ngành đã trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm các câu hỏi đại biểu nêu. Dưới đây Báo Hòa Bình điện tử trích đăng một số ý kiến trả lời chất vấn của thủ trưởng các sở, ngành.


  Công ty cổ phần Thanh Út cố tình không chấp hành Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh

Đại biểu Phạm Thanh Bình, Tổ đại biểu TP Hòa Bình hỏi:

Dự án khu du lịch và dịch vụ Vườn hoa cây cảnh của Công ty CP Thanh Út, địa chỉ tổ 8, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2008, với tổng diện tích đất 18.383,2m2. Quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp không thực hiện đầu tư theo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư. UBND tỉnh đã có quyết định về việc chấm dứt dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất (năm 2016). Tuy nhiên, quyết định thu hồi của UBND tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, trật tự đô thị đồng chí cho biết: Lý do gì mà Quyết định của UBND tỉnh không được thực thi triệt để. Trong thời gian tới, UBND tỉnh có phương án chỉ đạo như thế nào để thu hồi đất của dự án này bàn giao lại mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN&MT trả lời:

Thực hiện Quyết định số 2714/QD-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh, ngày 21/6/2017, Sở TN&MT tổ chức thu hồi diện tích 18.383,2m2đất tại xóm Thịnh Minh, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình do Công ty CP Thanh Út quản lý và bàn giao khu đất trên cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Tại buổi bàn giao đất, Công ty không chấp hành bàn giao đất và không nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Sau khi thông báo nhiều lần nhưng Công ty không phối hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh hủy 02 GCNQSDĐ đã cấp cho công ty; ngày 17/82017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1508/QĐ-UBND về việc hủy GCNQSDĐ. Sở TN&MT đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thông báo tới các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc hủy 02 GCNQSDĐ nêu trên và thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính, lập danh sách gửi Tổng cục Quản lý Đất đai theo quy định.


Đồng chí Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN&MT

Về phía Công ty CP Thanh Út, sau khi có Quyết định thu hồi đất; Quyết định hủy GCNQSDĐ, Công ty vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng trái phép một số hạng mục công trình trên đất. UBND phường Thịnh Lang đã nhiều lần xử lý vi phạm xây dựng trái phép nhưng Công ty này không chấp hành. Việc Quyết định của UBND tỉnh về thu hồi đất chưa được thực hiện là do Công ty CP Thanh Út cố tình không chấp hành.

Về phương án giải quyết trong thời gian tới: Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình và UBND phường Thịnh Lang ngăn chặn ngay các hành vi xây dựng trái phép của Công ty CP Thanh Út. Sở TN&MT sẽ phối hợp với UBND thành phố và các cơ quan liên quan làm việc với Công ty về việc thực hiện Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Trường hợp Công ty vẫn cố tình không chấp hành sẽ đề nghị UBND thành phố Hòa Bình thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh thu thập, kiểm tra, rà soát hồ sơ, làm rõ các hành vi vi phạm của Công ty, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết theo quy định của pháp luật.


Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát và xử lý các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác đá trên địa bàn tỉnh

Đại biểu Quách Thanh Hải, tổ đại biểu huyện Tân Lạc hỏi: Thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kiên quyết tạm dừng khai thác đối với các doanh nghiệp có vi phạm trong lĩnh vực khai thác đá trên địa bàn tỉnh như chưa thực hiện theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, mất an toàn lao động và chưa đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật... Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện công tác quản lý nhà nước, giám sát các Doanh nghiệp vi phạm thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh như thế nào? Quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát gặp khó khăn, vướng mắc gì và đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những sai phạm nêu trên?

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác đá trên địa bàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng làm tổ trưởng tổ công tác liên ngành về kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, qua kiểm tra Tổ công tác liên ngành đã đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định tạm dừng việc khai thác theo giấy phép đã được cấp đối với 47 tổ chức, cá nhân để khắc phục những vi phạm như chưa thực hiện theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, mất an toàn lao động và chưa đảm bảo về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá làm VLXD. Tính đến thời điểm hiện tại, có 12 đơn vị khắc phục hoàn thành các lỗi vi phạm nên đã được UBND tỉnh đồng ý cho phép khai thác trở lại; có 24 đơn vị được gia hạn cấp Vật liệu nổ để tiếp tục khắc phục vi phạm; có 5 đơn vị chưa khắc phục được những sai phạm. Trong đó, các sai phạm chủ yếu là không thực hiện thiết kế được duyệt gây ra tình trạng mất an toàn trong quá trình khai thác; thiếu các giải pháp thiết bị để khắc phục về môi trường; không kiểm định thiết bị, máy móc, không đào tạo nghiệp vụ về ATLĐ; không thực hiện nghiêm kỷ luật, nguyên tắc khi thực hiện nhiệm vụ; không thực hiện các quy định về bảo vệ công trình hạ tầng. Đặc biệt là để các phương tiện chuyên chở quá trọng tải, làm hỏng đường giao thông. Với những sai phạm được phát hiện, tổ công tác liên ngành đã lập biên bản kiên quyết xử lý. Qua đó, đã đề nghị cấp có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt với tổng số tiền lên tới 1,6 tỷ đồng. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát và xử lý các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm.


Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở xây dựng

Cùng với việc đề nghị cấp có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt hành chính đối với các vi phạm, Sở Xây dựng và các ngành chức năng của tỉnh cũng đã kiến nghị UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt để buộc các Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Trong đó, việc đình chỉ hoạt động khai thác đối với các doanh nghiệp cho đến khi khắc phục xong các lỗi vi phạm là một trong những biện pháp được xem được hiệu quả nhất.



                   Về việc chậm tiến độ cải tạo, nâng cấp đường Lý Thường Kiệt


Đại biểu Nguyễn Văn Gia, tổ đại biểu TP Hòa Bình hỏi:

Trong những năm qua, nhiều tuyến đường nội thị của TP Hòa Bình được cải tạo nâng cấp, đem lại cảnh quan đô thị và thông thương thuận tiện. Tuy nhiên, một số tuyến đường, công trình đang thực hiện dở dang nhưng mấy năm nay không triển khai thi công cụ thể là: Công trình đường Lý Thường Kiệt, đoạn qua Bộ CHQS tỉnh. Xin đồng chí cho biết lý do phải dừng thi công? Thời gian tới có tiếp tục được thi công không và cụ thể vào thời gian nào?

Đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT trả lời:

Công trình nâng cấp, cải tạo đường Lý Thường Kiết thuộc dự án Xây dựng các hạng mục giai đoạn 1 "Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – Thành phố Hòa Bình” do UBND TP Hòa Bình làm chủ đầu tư, được đầu tư bằng vốn ODA vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng. Công trình được khởi công vào năm 2015 và đăng ký hoàn thành vào năm 2018. Sau 2 năm thi công, đến nay, phần lớn công trình đã hoàn thành, tuy nhiên còn một số hộ dân tại khu vực cửa Bộ CHQS tỉnh không nhất trí về đơn giá đền bù và không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. UBND TP Hòa Bình đã tiếp xúc, tuyên truyền các hộ dân trên để thực hiện công tác GPMB, tuy nhiên các hộ vẫn chưa đồng ý. Tháng 11/2018, Ngân hàng thế giới và Bộ Xây dựng đã kiểm tra và khuyến cáo cần hoàn thành chương trình theo thời gian đã đăng ký, cần thiết có thể cắt giảm một số hạng mục và thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn khác sau khi có sự đồng ý của các hộ dân.


Đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT

Nhằm hoàn thành công trình trong năm 2018, UBND TP Hòa Bình đã có văn bản số 2863/UBND-QLĐT ngày 28/11/2018 đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh bề rộng mặt đường và cắt giảm hạng mục vỉa hè đối với các vị trí nhân dân chưa bàn giao mặt bằng. UBND tỉnh đã có văn bản số 7774/VPUBND – CNXD ngày 30/11/2018 về chủ trương điều chỉnh thiết kế công trình cải tạo, nâng cấp đường Lý Thường Kiệt, giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị trên của UBND TP Hòa Bình. Sở GTVT đang phối hợp với các sở, ngành để nghiên cứu, trình UBND tỉnh theo hướng chấp thuận với đề nghị của UBND TP Hòa Bình, cắt giảm cá hạng mục đang vướng mặt bằng, phần khối lượng còn lại này để xem xét, đầu tư bằng nguồn vốn khác.

                     Bố trí kinh phí đầu tư khu tái định cư do ảnh hưởng thiên tai

Đại biểu hỏi: Do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2017-2018, huyện Đà Bắc được chủ trương đầu tư khẩn cấp 5 khu tái định cư cho người dân với tổng mức đầu tư 120,883 tỉ đồng. Đến nay, nguồn kinh phí đã thực hiện khoảng 95 tỉ đồng, còn 40,883 tỉ đồng ngân sách cấp huyện cân đối. Đề nghị cho biết khi nào tỉnh sẽ tiếp tục cấp đủ kinh phí còn thiếu để sớm đảm bảo cuộc sống người dân?

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời:

Năm 2017, do ảnh hưởng thiên tai toàn tỉnh có 5.965 hộ bị thiệt hại. UBND tỉnh đã đầu tư 13 khu tái định cư cho 481 hộ với tổng kinh phí 240,219 tỉ đồng. Trong đó, huyện Đà Bắc đầu tư 5 khu tái định cư cho 183 hộ với tổng kinh phí 120,883 tỉ đồng. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư các khu tái định cư của tỉnh chưa được T.Ư cấp, UBND tỉnh đã ứng 110 tỉ đồng để hỗ trợ thực hiện 13 khu tái định cư, trong đó huyện Đà Bắc có 5 khu tái định cư đã được cấp 50 tỉ đồng, còn thiếu 45 tỉ đồng. Đối với số kinh phí còn lại UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở KH-ĐT tham mưu để bố trí vốn tiếp vào năm 2019.

• Công tác quản lý dự án trồng rừng kết hợp kinh tế

Đại biểu hỏi: Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế của Công ty TNHH XNK Mai Bình được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012 đến nay mới trồng được khoảng 500/1.658 ha, hiện đang bị xâm canh, xâm cư. Dự án đang bị chậm tiến độ và loài cây trồng chưa đúng theo nội dung dự án được duyệt. Đề nghị cho biết giải pháp tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý tốt hơn đối với các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh nói chung và dự án rừng phòng hộ kết hợp kinh tế của Công ty TNHH XNK Mai Bình nói riêng?


Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời:

Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế của Công ty TNHH XNK Mai Bình tại huyện Mai Châu đúng là thực hiện chậm tiến độ trên 30%, nguyên nhân được xác định do năng lực nhà thầu yếu, dự án chậm được nhận bàn giao đất để triển khai thực hiện, vốn hỗ trợ chưa được cân đối đủ, mới cấp 3,8/10,5 tỉ đồng (theo cơ cấu vốn đầu tư). Qua kiểm tra Công ty trồng cây không đúng mật độ, trồng xen cây chính, cây phụ trợ nhưng cây phụ trợ lại phát triển mạnh hơn, cây chính không phát triển được. Về công tác quản lý, Ban quản lý tỉnh đã trực tiếp bàn giao cho Ban quản lý huyện, dự án do huyện làm chủ đầu tư. Dự án có hiện tượng xâm canh, xâm cư khoảng 90 ha do công tác quản lý dự án của chủ rừng, chủ đầu tư lỏng lẻo, vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy. Sở NN&PTNT đã làm việc với chủ dự án, UBND huyện. Ngày 5/1/2018 Sở có báo cáo số 04 về việc đánh giá tiến độ và hiệu quả dự án đề xuất UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT có phương án xử lý việc triển khai chậm dự án, điều chỉnh tiến độ, quy mô dự án. Bên cạnh đó, trong rà soát quy hoạch 3 loại rừng Sở đã đề nghị điều chỉnh phần rừng ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất để Công ty có điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả dự án.

 

PBĐ-TL


Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục