(HBĐT) - Những năm qua, công tác dân vận (CTDV) của cơ quan Nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh được triển khai và thực hiện có hiệu quả, đi vào nề nếp; công tác chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết được chú trọng; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức đổi mới về nội dung, phương thức vận động; những nội dung phản ánh, phản biện xã hội về các vấn đề bức xúc trong dư luận được giải quyết kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, sở, UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa các văn bản của T.Ư, của tỉnh về CTDV thành chương trình, kế hoạch, chính sách phù hợp điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn việc triển khai thực hiện CTDV với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 100% Ban Dân vận các huyện, thành ủy và UBND các huyện, thành phố thực hiện ký kết chương trình phối hợp giai đoạn, hàng năm có kế hoạch phối hợp, đánh giá, kiểm tra. Trong giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh đã thành lập 143 đoàn kiểm, giám sát việc thực hiện CTDV tại 614 đơn vị; tổ chức trên 1.700 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị với Nhân dân và cán bộ, đảng viên. Qua mỗi cuộc đối thoại giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó xây dựng cầu nối trực tiếp giữa ý Đảng với lòng dân.
Từ việc đổi mới nội dung, phương thức trong CTDV đã vận động cán bộ, hội viên, Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhân rộng điển hình tiến tiến, mô hình hoạt động có hiệu quả, gương người tốt, việc tốt ở các khu dân cư, thôn, xóm, bản... Cùng với việc triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH, cấp ủy, chính quyền quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống, tập trung giải quyết đồng bộ các chính sách như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được cấp phát miễn phí thẻ BHYT; 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện trang thiết bị khám, chữa bệnh phục vụ người dân; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; trên 90% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trong hoạt động điều hành, chính quyền các cấp đẩy mạnh và tiến hành đồng bộ việc triển khai thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thực hiện cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” góp phần giảm phiền hà, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu của một số cán bộ, công chức (CB, CC), nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cơ quan hành chính các cấp. CCHC được gắn với thực hiện quy chế, văn hoá công sở tạo tác phong làm việc, tinh thần, trách nhiệm của CB, CC trong thực thi công vụ được đổi mới, nâng cao.
Cùng với đó, việc phối kết hợp xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong các CQNN được chú trọng triển khai. Toàn tỉnh đã xây dựng được 30 nhóm, 8 mô hình cá nhân trong các cơ quan tỉnh; 699 nhóm, 471 cá nhân cấp huyện; 132 nhóm, 63 cá nhân cấp xã. Tiêu biểu như các mô hình: "Cơ quan, đơn vị văn hóa” ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; "Hòm thư góp ý 217, 218” của TP Hòa Bình đặt tại 33 nhà văn hóa các xóm, tổ dân phố; "Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”; "Tạo nguồn cán bộ cơ sở và phát triển Đảng trong thanh niên” của Bộ CHQS tỉnh; "Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân” của Công an tỉnh; "3 tốt, 5 không” của Viện KSND tỉnh; "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” của LĐLĐ tỉnh...
Ngô Thị Thoa (Ban Dân vận Tỉnh ủy)