Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và TT-Huế.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, vào sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về:
- Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
- Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
- Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
- Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về:
- Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
- Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thí điểm ở một số địa phương vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia
Trước đó, ngày 22/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Về định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Về thành lập Quỹ Bảo tồn di sản, dự thảo Nghị quyết cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước một số ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ lý do về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thể chế nước ta là khuôn khổ thống nhất trong toàn quốc nhưng có thí điểm một số cơ chế, chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm, qua tổng kết, đánh giá có thể nhân rộng trong toàn quốc. Thí điểm là cơ sở để xem xét nâng chuẩn quy định của pháp luật lên mức cao hơn và sau đó lại tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thí điểm ở một số địa phương cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và trên cơ sở nền tảng chung đó, ở giai đoạn phát triển cao hơn tiếp tục sẽ có những thể chế, chính sách khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương chung, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là "nâng trên và đỡ dưới", tức là với những địa phương có điều kiện, tiềm năng, phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách đột phá, mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho địa phương phát triển, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho vùng, cho cả nước. Đối với những địa phương còn khó khăn hơn thì sẽ có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.
Theo VTV.vn