Cho đến chiều tối ngày 17/10, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang phải đối mặt với trận mưa lũ dữ dội, người dân đang dồn toàn lực ứng phó với "lũ chồng lên lũ". Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trợ cấp ngay 200 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo cho hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

 

Hà Tĩnh: Mực nước các sông đang lên nhanh

Hiện nay, mưa lớn vẫn tiếp tục, tại Hà Tĩnh mực nước các sông đang lên rất nhanh, các hồ đập cũng đang ở mức báo động. Mưa đã làm ngập nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 1A, 8A và sạt lở tà luy dương gây ách tắc cục bộ, mưa cũng làm tuyến đường sắt từ ga Phúc Trạch đến ga Hương Phố bị sạt lở và ngập, tàu không qua được đoạn đường này.

Mưa đã làm 143 xã của 12 huyện, thị (Hà Tĩnh) bị ngập, lụt; sạt lở 25 điểm với hàng ngàn khối đất đá làm ách tắc và cản trở giao thông trên quốc lộ 8A đoạn từ kilômét 43 đến 85+300. Vào sáng 17/10, tại kilômét 85 +150 thuộc xã Sơn Kim (Hương Sơn) đã sạt lở ta luy dương làm hơn 500 m3 đất, đá đổ ập xuống đường làm ách tắc giao thông và hư hỏng nhiều hệ thống biển báo giao thông, rãnh thoát nước. Trên Quốc lộ 1A, 15A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn của Hà Tĩnh bị ngập sâu, có chỗ lên đến 2,5m, gây ách tắc giao thông.

Tại nhiều điểm ở thị xã Hồng Lĩnh, xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ nước ngập sâu hơn 0,5m gây nhiều khó khăn cho phương tiện đi ứng cứu mưa, lũ. Trên quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Hà Tĩnh, xã Tiến Lộc huyện Can Lộc nước ngập sâu từ 0,5m đến 1m, các phương tiện không đi lại được. Các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện cũng đều bị ngập sâu hàng mét.

Không chỉ hệ thống đường bộ mà cả hệ thống đường sắt cũng trong tình trạng hư hại và bị ngập sâu, nhiều đoàn tàu không thể đi qua được.

Tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tính đến 19h tối qua đã sơ tán đến nơi an toàn được 21.738 người: huy động 14 xuồng cao tốc, 500 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng ngàn lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ tổ chức ứng trực, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu an toàn.

Cũng theo cơ quan chức năng 5 tấn mỳ tôm đã được huy động, cùng một số nước uống cơ động lên địa bàn Hương Khê; 15 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo đã được xuất kho để hỗ trợ các huyện mua lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Quảng Bình: 6/7 huyện, thành phố tiếp tục bị nhấn chìm

Đến 7h30 phút sáng 17/10, tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh đã được khắc phục và thông tuyến trở lại. Hiện 6/7 huyện, thành phố tiếp tục bị nhấn chìm. Riêng tại huyện Lệ Thủy do nước lũ dâng nhanh vào đêm ngày 16/10 đã làm ngập lụt trên 20.000 hộ dân, trong đó có khoảng 10.000 hộ bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Các tuyến đường giao thông huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã, thị trấn đã bị ngập nước, tê liệt hoàn toàn.

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tìm kiếm cứu nạn huyện Lệ Thủy ngay trong đêm đã hội ý khẩn cấp để triển khai ngay các phương án di dời, ứng cứu kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đêm 16/10, huyện Lệ Thuỷ đã di dời được trên 300 hộ dân ở vùng thấp lụt và các vùng gần hồ đập sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao đến nơi an toàn.

Mưa lũ đã làm nhiều đoạn đường sắt từ Ngân Sơn – Minh Lệ, Phúc Trạch- Hương Phố- Chu Lễ đã ngập sâu trong nước. Vì vậy, từ 14h ngày 16/10 đến nay đã có 7 đoàn tàu gồm SE6, TN2, SE2, HN2, SE4, SE8 và VQ2 đã mắc kẹt dừng tại ga Đồng Hới (Quảng Bình) không thể tiếp tục hành trình. Ga Đồng Hới phối hợp với Sở Giao thông vận tải Quảng Bình tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô, mọi chi phí đều được ngành đường sắt miễn phí.

Đến 11h ngày 17/10, ga Đồng Hới đã tổ chức 19 xe ô tô vận chuyển hơn 1.300 hành khách từ Đồng Hới đi Vinh (Nghệ An), hơn 500 hành khách theo chiều ngược lại. Riêng đối với những khách trả lại vé, ga Đồng Hới đã bố trí thanh toán chu đáo số tiền vé cho khách. Cũng trong 2 ngày qua, nhà ga đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát 113, Công an phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới) giữ gìn an ninh trật tự trên các chuyến tàu.

Thừa Thiên Huế: 2 người chết và mất tích, 7 người bị thương

Do ảnh hưởng của mưa lũ và lốc xoáy trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 1 người chết, 1 người mất tích do nước cuốn trôi chưa tìm thấy xác, 7 người khác bị thương. Riêng cơn lốc xảy ra ngày 15/10 tại bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) làm sập 5 nhà, 37 nhà khác bị tốc mái, 20 ha cao su, keo, tràm bị gãy đổ, nhiều diện tích hoa màu như lạc, sắn... bị thiệt hại; 5 tấn lúa và lạc bị ướt. Hệ thống điện, nước sạch bị hư hỏng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo, tính đến 16h hôm qua đã chuyển 2.000 phao cứu sinh, 1.500 phao tròn, 15 nhà bạt, 15 phao bè loại nhẹ cho huyện Hương Thủy, thành phố Huế...

Đường Hồ Chí Minh tại Km 319+980 (đèo Pê ke, xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới) bị sạt ta luy âm và ta luy dương và phần nền mặt đường, chiều dài 160m, với khoảng 20.000m3 đất đá gây ách tắc giao thông. Cùng lúc xe mang biển số 73L-7011 chở phân bón của Công ty phân bón sông Gianh, Quảng Bình do bùn lầy nên bị mắc kẹt tại khu vực sạt lở nói trên, làm 37 tấn phân bón trên xe hư hỏng hoàn toàn.

Ngay sau khi lốc xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã đến Trung tâm y tế huyện thăm hỏi, động viên và hỗ trợ

 

         Cảnh ngập lụt trên QL 1A tại Tp. Hà Tĩnh - Ảnh: Vietnamnet

người bị thương 1,5 triệu đồng/người, hỗ trợ gia đình có người chết 4,5 triệu đồng/người; bố trí nơi ở cho các hộ dân bị tốc mái, nhà sập. UBND huyện đã chỉ đạo xuất 1,4 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 500 lít nước uống, 120 đèn dầu, 1.500 tấm lợp cho nhân dân, đồng thời huy động 100 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện và 300 dân quân tự vệ tại chổ phối hợp với 80 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân lợp lại nhà cửa, đến sáng 17/10 đã cơ bản giúp dân khắc phục nhà cửa, ổn định đời sống.

UBND huyện A Lưới đang huy động các lực lượng địa phương tìm kiếm người bị mất tích, hiện tại đã tìm thấy 1 chiếc xe máy mang biển số 75-F8 7326 của người bị nạn, đang tiếp tục tìm kiếm người bị mất tích. Sở Công Thương đã tổ chức dự trữ hàng hoá phục vụ công tác PCLB; các huyện, thị xã và thành phố Huế đã dự trữ tại chỗ được 246,5 tấn gạo, 154,2 tấn mì ăn liền, 118.470 lít xăng dầu, 3,5 tấn muối đề phòng mưa lũ kéo dài.

Nghệ An: Nhà dân ở khu vực ven thành phố Vinh bị ngập từ 0,2 - 1,5m

Trong 4 ngày qua trên địa bàn Nghệ An có mưa to đến rất to. Mưa to kéo dài nhiều ngày làm cho mực nước các sông, ao, hồ và đồng ruộng tăng cao; nhiều tuyến đường bị ngập trong nước chưa thể đi lại. Tính đến sáng 17/10, nhà dân ở khu vực ven thành phố Vinh (Nghệ An) bị ngập từ 0,2 - 1,5m. Nghệ An đã có 4 người chết và mất tích.

Hiện tỉnh chưa thống kê được mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, nhưng đã có 4 người chết và mất tích do mưa lũ. Trong đó có 2 người ở huyện Nghi Lộc (ở xã Nghi Trường và xã Nghi Xá) và 2 người ở huyện Thanh Chương (ở xã Thanh Hương). Đến sáng 17/10 vẫn chưa tìm được tung tích các nạn nhân.

Nghệ An đang huy động các lực lượng chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai việc tìm kiếm các nạn nhân. Tỉnh cũng lên phương án bảo vệ an toàn các hộ dân tại các vùng ven sông, biển, nơi có nguy cơ lũ quét xảy ra; theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Hiện nay, 24 hộ với 84 khẩu thuộc Khối 2, phường Trung Đô, Thành phố Vinh sống dưới chân núi Dũng Quyết buộc phải tìm nơi ở mới trước nguy cơ đe doạ sạt lở đất đá từ núi Dũng Quyết. Với lượng mưa lớn như hiện nay, các hộ dân đang rất lo lắng vì nhà cửa cửa mình có thể đổ sập. Trên núi Dũng Quyết đang có những tảng đá to, nặng hàng chục tấn nằm chênh vênh, có thể lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

Lũ trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang lên

Theo Thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lũ trên các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) đang lên, sông ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình đang xuống. Mực nước lúc 13h ngày 17/10 trên Sông Cả tại Nam Đàn: 6,17m, dưới báo động (BĐ) 2: 0,73m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 16,23m, trên BĐ3: 2,73m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,1m); Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 12,19m, trên BĐ2: 0,69m; Sông La tại Linh Cảm: 6,93m, trên BĐ3: 0,43m; Sông Gianh tại Mai Hóa: 5,8m, dưới BĐ3: 0,7m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,89m, trên BĐ3: 0,19m.

Dự báo lũ trên các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông La tiếp tục lên; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống.

Đêm nay (17/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,8m, dưới mức BĐ2: 0,1m và còn tiếp tục lên; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 10,50m, dưới BĐ2: 1m; Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 12,0 m, trên BĐ3: 1,5m; Sông La tại Linh Cảm lên mức 7,3 m, trên BĐ3: 0,8m và còn duy trì ở mức cao; Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 5,0m, ở mức BĐ2; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,4 m, trên BĐ2: 0,2 m

Bão cấp 17 hoành hành trên biển Đông

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin), một cơn bão rất mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Megi.

Hồi 7h sáng nay (17/10) vị trí tâm bão Megi ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 127,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 580 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 17, trên cấp 17.

Theo cơ quan khí tượng, chiều tối và đêm ngày 18/8 bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. Đến 07 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão, gần sáng và ngày mai (18/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội.

Cấp ngay 2.000 tấn gạo và 200 tỷ đồng cho Quảng Bình, Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài chính cấp ngay khoản kinh phí do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh ngày 7/10/2010 (Quảng Bình: 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 100 tỷ đồng). Đồng thời, Cục Dự trữ quốc gia xuất, cấp bổ sung ngay cho hai tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn gạo và Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo, để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ./.

 

                                                                                    Theo ĐCSVN

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục