Đại biểu QH tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Đại biểu QH tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Hôm qua ngày 4-11, kỳ họp thứ 10 bước vào ngày làm việc thứ 13. Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Báo chí (sửa đổi); thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020.

 

Cần bổ sung những quy định về thống kê ngoài nhà nước

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đấu giá tài sản nêu rõ: Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Dự thảo Luật không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán. Dự án luật xây dựng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá trên cơ sở kế thừa, luật hóa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; khắc phục những hạn chế, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tăng cường trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản. Đa số ý kiến đề nghị QH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 10 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016), để Luật sớm có hiệu lực, kịp thời giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban TVQH tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Thống kê (sửa đổi), các đại biểu QH đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Theo đó, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Các đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác cho rằng, thống kê ngoài nhà nước rất cần được tạo điều kiện để phát triển; tuy nhiên cũng rất cần được quản lý, giám sát chặt chẽ. Nhưng, dự thảo luật chưa đưa ra được những quy định cụ thể, khoa học để có thể giám sát đầy đủ hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định về tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thống kê; quyền, nghĩa vụ khi công bố số liệu thống kê; trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước; điều kiện để có thể hoạt động thống kê… Nếu các quy định nêu trên không được xây dựng đồng bộ thì thống kê ngoài nhà nước sẽ phát triển tự phát, không chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị, vì thống kê là một lĩnh vực phức tạp, cho nên thống kê ngoài nhà nước trước khi công bố số liệu thống kê nếu có nhu cầu thì sẽ được các cơ quan chức năng nhà nước thẩm định để bảo đảm tính chính xác…

Mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm sáu chương với 59 điều, trong đó, có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này nêu rõ, điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí. Dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Báo cáo thẩm tra cho biết, dự thảo Luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II), Điều 25 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Tuy nhiên, tên Chương II dự thảo Luật (Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí) không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Hơn nữa, các nội dung quy định tại chương này chưa rõ nội hàm và còn trùng lặp. Về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí (Điều 24), thực tiễn cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Về cung cấp thông tin cho báo chí (khoản 3 Điều 37) dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với “tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao

Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2001 - 2015, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) và một số đại biểu cho rằng, việc huy động vốn cho thực hiện các CTMTQG thấp và chưa hợp lý khi ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt. Việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Đánh giá chất lượng và hiệu quả thực hiện một số CTMTQG chưa cao, đại biểu Lê Công Lĩnh (Long An) và nhiều đại biểu nhấn mạnh tính bền vững của nhiều CTMTQG rất hạn chế, chưa phát huy rõ nét hiệu quả sau đầu tư. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch. Cơ chế quản lý, điều hành một số CTMTQG chưa thật hợp lý, vì vậy, cần lồng ghép hiệu quả các CTMTQG để khắc phục việc mục tiêu, nội dung của một số CTMTQG trùng lặp với nhiệm vụ chi thường xuyên.

Thảo luận về xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG giai đoạn 2016-2020, hầu hết ý kiến đại biểu tán thành việc tổ chức lại CTMTQG theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại hai chương trình là CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu, quy mô, phạm vi đầu tư của hai CTMTQG này là rất rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực. Để phù hợp khả năng cân đối nguồn lực và khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cần rà soát phạm vi đầu tư đối với hai CTMTQG, tránh trùng lặp với các nội dung đầu tư thuộc lĩnh vực khác. Loại bỏ các hạng mục đầu tư chưa rõ tính cấp thiết, các nội dung đầu tư trùng với nội dung chi thường xuyên.

Cần bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan có trách nhiệm thẩm định, đánh giá số liệu thống kê do cơ quan thống kê T.Ư triển khai, công bố vì không thể bảo đảm các số liệu thống kê này hoàn toàn chính xác. Bởi trong thực tế đã có trường hợp chúng ta biết số liệu thống kê chưa chính xác, chưa đầy đủ nhưng vẫn phải sử dụng... Vì vậy, tôi đề nghị cần thành lập Hội đồng quốc gia tư vấn về chính sách và đánh giá thông tin thống kê, gồm đại diện của cơ quan thống kê T.Ư, một số bộ, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực thống kê. Đến nay, có khoảng 91 quốc gia, vùng lãnh thổ thành lập Hội đồng thống kê quốc gia.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi
(Thanh Hóa)

Tôi cho rằng, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) phải quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí khi báo chí đăng tải không đúng, sai sự thật... Có như vậy chúng ta mới làm tốt công tác quản lý báo chí và đồng thời phát huy tính tự chủ của các cơ quan báo chí.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh
(Hải Phòng)

Theo tôi, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần quan tâm ba khía cạnh. Thứ nhất, thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, không được sử dụng các quyền này để làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay lợi ích của tổ chức, cá nhân. Thứ hai, phải tạo được sự bình đẳng trong tự do ngôn luận, tự do báo chí. Thí dụ, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế khác có được thành lập tờ báo của mình hay không cũng là vấn đề cần quan tâm. Cuối cùng là, trong thời đại công nghệ thông tin, mạng in-tơ-nét rất phát triển và phổ biến hiện nay, cần phải có cơ chế, chính sách để không ảnh hưởng tới việc thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng cũng phải tạo ra một sự kiểm soát chặt chẽ để tránh xu hướng lạm dụng, lợi dụng và giúp hoạt động này đúng theo khuôn khổ pháp luật.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng
(Thái Nguyên)

 

 

                                                                                 Theo Báo ND

 

 

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục