Màn biểu diễn chiêng “Ngày mùa” - một cách lưu giữ nét văn hóa truyền thống ở điểm du lịch xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
(HBĐT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Du lịch, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh ta đã có những bước tiến khá dài. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác tiềm năng phát triển du lịch được quan tâm nhiều hơn; hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch từng bước đi vào nền nếp. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đặt ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. 5 năm, quãng thời gian không dài, để đạt được mục tiêu cần phải có sự nỗ lực thực sự bằng tâm huyết và sự quyết tâm cao, nhờ đó, nhiều kế sách được đưa ra.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá
Được thiên nhiên ưu đãi tỉnh ta có nhiều sông, núi, hồ nước tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đẹp và đó là tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng ấy chưa được khai thác một cách hiệu quả, hay nói mỹ miều hơn viên ngọc sáng còn bị ẩn lấp dưới nhiều lớp lá rừng nên chưa có nhiều du khách biết đến. Nguyên do là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được thực hiện chuyên sâu, bài bản. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đưa ra dẫn chứng: Trong những năm qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn chủ yếu theo các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh và của khu vực như: “Lễ hội chiêng Mường tỉnh Hòa Bình năm 2011, “Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc Tây Bắc năm 2013, các giải thi đấu đấu thể thao như dù lượn, đua xe đạp toàn quốc và quốc tế tham gia Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; phát hành một số ấn phẩm tài liệu quảng bá, giới thiệu các khu, điểm, tour, tuyến du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Gần đây có tổ chức đón và giới thiệu các đoàn Famtrip, Presstrip (Chương trình du lịch miễn phí dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo đến làm quen với các sản phẩm du lịch tại địa phương để hỗ trợ cho việc xây dựng các chương trình du lịch, tuyên truyền, quảng bá về du lịch) Do vậy, hình ảnh về vùng đất, con người Hòa Bình còn khá mờ nhạt trong tầm nhìn du khách cũng như các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch. Như vậy, rõ ràng, việc cần làm trong thời gian tới là tăng cường việc xúc tiến, quảng bá.
Xã hội hóa, kêu gọi các đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Thực tế, tỉnh ta còn nghèo, đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn chưa thỏa đáng. Một con số cụ thể đã được đưa ra: tính từ năm (2006 - 2016), tỉnh ta đã đầu tư khoảng 210 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó vốn trung ương 170 tỷ đồng và 40 tỷ đồng là vốn của địa phương. Đó là con số khá khiêm tốn, vì vậy cần phải xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch, kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết để tạo lực đẩy cho du lịch phát triển. Một minh chứng cụ thể đáng để tham khảo đó là: Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình mới đầu tư hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2013. Năm 2014, 2015 công ty tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật gồm: khách sạn 54 phòng mang phong cách bản làng truyền thống của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, được Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao và du thuyền cao cấp phục vụ du lịch. Tổng kinh phí đầu tư cho khách sạn trên 75 tỷ đồng; 2 du thuyền cao cấp trị giá trên 47 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình cho biết: Trong 3 năm qua, công ty đã biên tập, in ấn, phát hành nhiều ấn phẩm tài liệu quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch; các tour, tuyến du lịch bằng tiếng Việt, Anh. Xây dựng cuốn phim Dấu ấn Hòa Bình; xuất bản sách giới thiệu văn hóa ẩm thực Hòa Bình để quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức đón các đoàn Famtrip trong nước và quốc tế đến Hòa Bình khảo sát , nghiên cứu liên kết phát triển du lịch; trao đổi cung cấp về tài nguyên và sản phẩm du lịch tỉnh Hòa Bình của công ty cho các đối tác, các hãng lữ hành để liên doanh, liên kết thu hút khách. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và của Hiệp hội du lịch Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình đã tổ chức các đoàn tham gia hội chợ du lịch quốc tế tại Cộng hòa liên bang Đức, khảo sát thị trường châu âu, Nhật Bản và các nước Đông Nam á để tìm cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển du lịch. Bước đầu đã ký kết hợp tác trao đổi khách với một số hãng lữ hành của Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức hứa hẹn sẽ đem lại kết quả tốt đẹp trong thời gian tới.
Tránh làm du lịch theo kiểu chộp, giật
Tại cuộc giám sát việc thực hiện Luật Du lịch trên địa bàn tỉnh do Ban Văn hóa - Xã hội và Dân tộc ( HĐND tỉnh khóa XV) tổ chức vào tháng 3 vừa qua, một vị đại biểu HĐND đã đưa ra dẫn chứng cụ thể về nạn chặt chém trong hoạt động du lịch: Cùng 1 con tàu, nhưng khi nhận được đoàn khách từ Hà Nội (12 người) hỏi thuê xuất bến từ cảng Bích Hạ đi đền thác Bờ nhà tàu đã làm giá 7 triệu đồng. Thấy giá ở mức trên trời, đoàn khách đã nhờ người quen can thiệp. Kết quả, cũng con tàu ấy, lộ trình ấy, nhà tàu đã đồng ý xuất bến với giá 2 triệu đồng. Nhiều ý kiến khác phản ánh về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước trên vùng hồ Hòa Bình khi các tàu du lịch xả rác tùy tiện trên lòng sông. Bên cạnh đó đã bắt đầu xuất hiện việc chèo kéo khách du lịch ở một số điểm du lịch lễ hội gây phản cảm. Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là: phần lớn các điểm du lịch cộng đồng được phát triển theo hình thức tự phát, mạnh ai nấy làm đã dẫn đến tình trạng phá vỡ cảnh quan, môi trường và làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống. Điều này đã và đang xảy ra ở các điểm du lịch cộng đồng như bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh ( Cao Phong) và bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu).
Đó là những hạt sạn cần được tìm nhặt một cách kỹ lưỡng thông qua công tác quản lý hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ , tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch. Tích hợp các yếu tố: xúc tiến, quảng bá, đầu tư, tôn tạo, khai thác tiềm năng hợp lý sẽ tạo nền tảng để du lịch phát triển bền vững.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Ngày 7/7, tại xã Dân Chủ, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức Phiên giao dịch việc làm lần thứ 5 năm 2016.
(HBĐT) - Trong những tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu vay vốn của người dân. Theo đó, chất lượng tín dụng ngày càng ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng, nợ xấu giảm so với cùng kỳ năm 2015.
(HBĐT) -Trong hành trình 8 km từ UBND xã Trung Hòa (Tân Lạc) vào xóm Thung, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những con dốc cao, lởm chởm sỏi, đá. Toát mồ hôi, cuối cùng, xóm Thung cũng hiện ra với hình ảnh đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ trên những thửa ruộng bà con vừa thu hoạch...
(HBĐT) -Trong những tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu vay vốn của người dân. Theo đó, chất lượng tín dụng ngày càng ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng, nợ xấu giảm so với cùng kỳ năm 2015.
(HBĐT) -Theo báo cáo của UBND huyện Mai Châu, thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện đã tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 19 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 665.858 triệu đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện 539.214 triệu đồng.
(HBĐT) - Tiếp cận đất đai là 1 trong 10 chỉ số thành phần trong các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta luôn ở mức thấp trong những năm qua. Cụ thể lần lượt các năm từ 2011 - 2015 là: 42, 15, 30 và 51. Năm 2015, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh được 5,27 điểm, tương đương xếp thứ 51, so với năm 2014 giảm tới 21 bậc. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.