(HBĐT) - Gọi Nam Sơn (Tân Lạc) là “thủ phủ” của quýt ngọt bởi lẽ không nơi đâu thích hợp trồng cây quýt ngọt như ở đây. Quýt ngọt đã tạo thành vùng cây hàng hóa thế mạnh, là “cây vàng, cây bạc” đối với nông dân miền đất rẻo cao này.
Những cây quýt ngọt cho “bạc triệu” của gia đình ông Đinh Văn Đứng ở xóm Bương, xã Nam Sơn (Tân Lạc).
Nếu ai đã từng lên vùng cao Nam Sơn sẽ cảm nhận sự khắc nghiệt của khí hậu nhất là vào mùa đông, tiết trời lạnh giá, sương mù dày đặc suốt mùa, cỏ cây, hoa lá nhiều phen chết cóng, chết khô vì rét mướt và sương muối. Thế nhưng riêng loài quýt dù là quýt cổ từ thời ông, bà để lại và đến giờ là quýt ngọt vẫn chống chịu và sinh trưởng kiên cường. Ngạc nhiên hơn, khi quýt ngọt được đưa vào trồng trên đất đồi, đất dốc vùng này lại thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mang đến cho người trồng liên tiếp những mùa quả ngọt.
Kể từ niên vụ từ năm 2012 đến nay, quýt ngọt trồng trên đất Nam Sơn được mùa, được giá. Bà con nơi đây cần mẫn chăm sóc, mở rộng vùng trồng quýt ngọt. Đổi lại, quýt ngọt giúp nhà nông thu về bạc triệu, mang đến cho họ cơ hội đổi đời, vươn tới cuộc sống ấm no. Theo ông Đinh Hồng Min, trưởng xóm Bương, hơn 10 năm trước, Chương trình 135 đưa giống quýt này đến với hộ nghèo. Đến năm 2008, Sở KH&CN triển khai dự án phục tráng quýt cổ, đồng thời hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc để đạt hiệu quả cao. Thông thường, sau 4 - 5 năm kể từ khi trồng, quýt ngọt bước vào chu kỳ bói quả, càng về những vụ sau, năng suất, chất lượng quả càng khẳng định hơn.
Đến hẹn lại lên, cứ dịp 2 tháng cuối năm là bà con nông dân vùng cao Nam Sơn lại bước vào mùa quýt chín. Nhà nhà bận rộn thu hoạch. Lái thương từ Hà Nội, Hòa Bình lên, từ mạn Thanh Hóa sang hối hả thu mua. Những chiếc xe tải xếp thành hàng dài chở quýt ngọt, quýt bản địa về nơi có thị trường. Quýt vào thời kỳ kinh doanh cho quả sai, trái căng mọng, vỏ mỏng, sắc vàng rực rỡ, vị ngọt đậm đà. Tại vườn của nhiều hộ gia đình với những cây trồng lâu năm, tán rộng cho năng suất đến vài tạ. Đặc biệt, với lối canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên, không sử dụng bất cứ một loại phân bón hóa học nào nên quýt ngọt Nam Sơn là hoa quả sạch, được thị trường ưa chuộng. Giá bán tại vườn dao động từ 28.000 – 30.000 đồng/kg.
Xuất hiện những nhà nông triệu phú
Trước năm 2010, khoảng 60% hộ dân ở xã vùng cao này thuộc diện nghèo, bình quân thu nhập đầu người chưa đến 4 triệu đồng/năm. Đồng chí Đinh Xuân Lừng, Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Sau thời gian dài loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã tìm thấy hướng phát triển kinh tế cho mình, biến những bất lợi về điều kiện tự nhiên trở thành lợi thế để xây dựng và mở rộng vùng trồng quýt ngọt và quýt bản địa như hiện nay.
ông Hà Văn Hưng ở xóm Bái đã có “thâm niên” mười mấy năm trồng quýt ngọt, từ những năm 2003, 2004 khi dự án trồng thử nghiệm quýt ngọt hỗ trợ cho hộ nghèo ở Nam Sơn. Cho đến nay, khoảng gần 300 cây trong số 600 cây quýt ngọt ông trồng kế vụ đã vào thời kỳ cho quả, bình quân mỗi cây cho 50 kg quả, có cây lâu năm cho thu bạc triệu/vụ. Năm 2013, ông mới thu khoảng 5 tấn/vụ, năm 2014, ông thu 10 tấn/vụ nhưng đến vụ này sản lượng đã tăng hơn rất nhiều. Nhẩm tính đến hết vụ, ông cầm chắc thu nhập ngót nửa tỷ đồng.
Các triệu phú khác như ông Đinh Văn Đứng ở xóm Bương, ông Bùi Văn Đồng ở xóm Tớn tuy trồng sau nhưng cũng không thua kém ông Hà Văn Hưng về diện tích, quy mô cây quýt ngọt. Với hơn 1ha bao gồm cả quýt ngọt đã cho thu và cây thời kỳ kiến thiết, ông Đinh Văn Đứng thu trên 100 triệu đồng/vụ. ông Bùi Văn Đồng cũng với diện tích tương tự, khoảng hơn 200 cây đang vào kỳ kinh doanh, cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.
Tại xã vùng cao Nam Sơn, quýt ngọt đã và đang được cấp ủy, chính quyền xã xác định là cây trồng chủ lực. Hiện có tới 95% tổng số hộ tham gia trồng quýt bao gồm cả quýt ngọt và quýt bản địa. Bình quân thu nhập năm 2016 ước đạt 16 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, từ chỗ phổ biến hộ nghèo, hộ có kinh tế khá “đếm trên đầu ngón tay”, đến nay trên địa bàn đã xuất hiện hàng chục nhà nông triệu phú. Trong tình hình thị trường nhiều tiềm năng đối với quýt ngọt, với 60 ha đã trồng, trong đó có trên 20 ha đã cho thu hoạch, dự kiến đến năm 2020, diện tích quýt sẽ được mở rộng lên 80 ha. Tin tưởng rằng, những năm sau này nữa, nơi đây sẽ còn xuất hiện ngày càng nhiều những triệu phú quý ngọt. cuộc sống của bà con nhờ cây bạc triệu này sẽ thỏa nguyện ước vọng đổi đời.
Thu Hằng
(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước. Ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên lòng hồ sạch hơn, cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao. Vì vậy có nhiều mô hình nuôi cá lồng thành công như cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, một số loại đặc sản như chiên, ngạnh, bỗng… bước đầu đã mang lại hiệu quả, giải quyết khó khăn về kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho nông ngư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của các xã vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Xóm Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) có 100 hộ với 408 nhân khẩu sinh sống tập trung. Những năm gần đây, người dân trong xóm đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, dựa vào điều kiện thực tế, nhân dân trong xóm tích cực thâm canh tăng vụ, xen canh gối vụ đem lại chất lượng và năng suất cao. Thực hiện chuyển đổi nhiều loại cây, trong đó, tập trung chủ yếu vào cây mía, bí trái mùa và mới đây nhất là ớt số 7 (Nhật Bản).
(HBĐT) - UBND huyện Lạc Thủy vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2016 – 2017.
(HBĐT) - Các KCN trong tỉnh hiện có 62 dự án đầu tư, trong đó 18 dự án FDI với số vốn đăng ký 398,29 triệu USD và 44 dự án trong nước với số vốn đăng ký 8.041 tỷ đồng. Đã có 44 dự án đi vào hoạt động.
Ngày 30-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu 88 doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu quốc gia năm 2016. Dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia.
(HBĐT) - Vốn đầu tư ít, quay vòng đồng vốn nhanh là những ưu điểm vượt trội mà mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trạm KN-KL huyện Cao Phong triển khai thực hiện trong năm 2016. Mô hình đã khuyến khích người dân phát triển nuôi gà theo hướng an toàn, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là khẳng định của đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.