(HBĐT) - Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 và thay thế nhiều văn bản được ban hành trước đây.

Agribank Lạc Thuỷ triển khai cho vay tới hàng ngàn hộ dân thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.

 

Khác với quy định được ban hành trước đây, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Trao đổi vấn đề này với bà Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, được biết, như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

 

Bên cạnh nhiều điểm mới, về phương thức cho vay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung thêm nhiều phương thức cho vay mới phù hợp với thực tế, sửa đổi nội hàm của các phương thức cho vay để bảo đảm phân biệt rõ ràng giữa các phương thức. Cụ thể, các phương thức cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN bao gồm:

 

Một là, cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, TCTD và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.

 

Hai là, cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai TCTD trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.

 

Ba là, cho vay lưu vụ: Là việc TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

 

Bốn là, cho vay theo hạn mức: TCTD xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, TCTD thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, TCTD xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này

 

Năm là, cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: TCTD cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. TCTD và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.

 

Sáu là, cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: TCTD chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa một năm.

 

Bảy là, cho vay quay vòng: TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá một tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá ba tháng.

 

Tám là, cho vay tuần hoàn (rollover): TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện: Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay; Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh; Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD; Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

 

Chín là, các phương thức cho vay khác được kết hợp 8 các phương thức cho vay nêu trên, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD và đặc điểm của khoản vay.

 

Cũng theo bà Vũ Thị Song Nguyệt, ngoài ra, Thông tư 39 cũng có quy định cụ thể về giải thích từ ngữ, nguyên tắc cho vay, yêu cầu đối với quy định nội bộ, thẩm định và quyết định cho vay, miễn giảm lãi, phí, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn.

 

                                                                    H.T

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Tháng giêng không chỉ là… tháng ăn chơi

(HBĐT) - “Có hội hè, chúc tụng nhưng hơi hướng của Tết chỉ kéo đến hết ngày 4/2 (tức ngày 8 tháng giêng), ngay sau đó, người dân đã đồng loạt xuống đồng gieo cấy vụ chiêm - xuân. Làm cho kịp thời vụ, có năng suất, hiệu quả, đời sống được nâng cao thì mới lại có... hội hè”. Đó là lời bộc bạch của một người dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) vừa cấy xong nhánh mạ cuối cùng trên thửa ruộng màu mỡ ven QL 12B.

Huyện Lương Sơn cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập

(HBĐT) - Trong những năm qua, chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp của huyện Lương Sơn đã có bước chuyển biến rõ rệt. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ phát triển mạnh, nhiều hộ đầu tư cải tạo vườn tạp, vườn đồi, áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ kinh tế vườn, đồi. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi vẫn còn một số tồn tại, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng KH-KT vào thâm canh, sản xuất hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng còn nhiều bất cập; năng suất, sản lượng chưa cao, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.

Huyện Lạc Sơn: Hình thành 3 trang trại nuôi đại gia súc bán chăn thả

(HBĐT) - Với mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, trên địa bàn huyện Lạc Sơn vừa hình thành 3 trang trại chăn nuôi bán chăn thả kết hợp trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi tại xã Tân Mỹ, Chí Thiện và Phúc Tuy.

Toàn tỉnh trồng khoảng 11.000 ha cây màu vụ xuân

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, đến trung tuần tháng 2, toàn tỉnh đã cơ bản cấy xong lúa chiêm xuân (trên 14.000 ha), chủ yếu là các giống lúa thuần, lúa lai. Một số địa phương cấy vượt so với kế hoạch như: Thành phố Hòa Bình vượt 7,4% kế hoạch, huyện Kỳ Sơn vượt 2%, 2 huyện Lạc Thủy, Yên Thủy đạt 100%.

Thị trường sau Tết ổn định

(HBĐT) - Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã trôi qua, diễn biến thị trường sớm ổn định trở lại. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân ít biến động, duy có giá mặt hàng rau xanh tăng nhẹ, phổ biến từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, gạo tẻ thường dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, giá thịt lợn không tăng so với thời điểm trước Tết. Thị trường hàng hóa duy trì bình ổn tạo tâm lý ổn định cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhân dân.

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

(HBĐT) - Hội LHPN huyện Mai Châu hiện có 23 cơ sở Hội với trên 10.788 hội viên tham gia sinh hoạt. Xác định vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo các chi, tổ hội duy trì hoạt động giúp nhau xóa đói, giảm nghèo với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục