(HBĐT) - Khai trương vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn huyện Lạc Thủy là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng trên địa bàn lựa chọn. Tuy nhiên sau gần 3 tháng vận hành, điểm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn chưa thu hút được đông đảo người dân. Việc cung ứng chủ yếu mới chỉ đối với một bộ phận cán bộ, công chức và người dân thị trấn.
Điểm bán và giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn huyện Lạc Thủy cung ứng nhiều loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn, chất lượng tại thị trấn Chi Nê.
Chia sẻ điều này, ông Lê Văn Điền, Giám đốc HTX nông sản thực phẩm an toàn Lạc Thủy cho biết: Trở ngại lớn nhất trong quá trình hoạt động của cửa hàng nằm ở khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Hiện tại chưa thu hút nhiều người tiêu dùng biết đến địa chỉ này. Thêm vào đó, người dân có thói quen mua sắm ở các chợ có đa dạng các mặt hàng với hình thức tiện lợi hơn.
Điểm bán - giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn là chủ trương của tỉnh được huyện Lạc Thủy tích cực triển khai. Để trở thành một trong những cửa hàng điểm ra mắt đầu tiên, UBND huyện đã dành kinh phí trên 1 tỷ đồng hỗ trợ về cơ sở vật chất và một số trang thiết bị, giao HTX nông sản thực phẩm an toàn Lạc Thủy làm đơn vị vận hành. Nguồn hàng hóa tại điểm cung ứng là sản phẩm rau – củ - quả, thịt, trứng theo chuỗi sản xuất đã được chứng nhận an toàn của địa phương.
Để duy trì hoạt động của cửa hàng, ngoài người lao động trực tiếp bán và giới thiệu sản phẩm còn có đội ngũ cán bộ hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhóm trồng rau an toàn tại 2 địa chỉ chuỗi sản xuất rau an toàn của xã Lạc Long và Đồng Tâm. Đội ngũ này thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện phổ biến, theo dõi và giám sát quy trình thực hiện của nông dân. Mặt khác, trước khi đưa sản phẩm rau – củ - quả phục vụ tại cửa hàng, HTX vận hành chuỗi đều kiểm tra độ an toàn của rau – củ - quả bằng máy thử. Chỉ khi sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn, cửa hàng mới thu mua và bày bán. Được biết, các loại rau, củ, quả tại cửa hàng luôn đảm bảo độ tươi ngon, toàn bộ lượng rau tồn sau 48 giờ thu hái sẽ được đưa về các trang trại chăn nuôi xử lý.
Tận dụng lợi thế bồi đắp phù sa hai bên bờ sông Bôi, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tập trung trồng các loại rau màu để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra của bà con chưa có nơi tiêu thụ với giá cao và ổn định. Hợp tác xã nông sản thực phẩm an toàn Lạc Thủy là đầu mối quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của người dân với điều kiện xu thế hiện nay đòi hỏi nguồn cung ứng an toàn theo chuỗi. ông Lê Văn Điền, Giám đốc HTX cho biết: Thị trường tiêu thụ rau - củ - quả an toàn tới đây sẽ rộng mở hơn bởi vào khoảng tháng 7, Công ty CP nông nghiệp Xanh miền Bắc có địa chỉ tại phường Định Công - quận Thanh Xuân (Hà Nội) sẽ liên kết thu mua sản phẩm cho bà con. Người trồng rau an toàn, trồng rau tiêu chuẩn VietGAP sẽ tham gia vào các tổ hợp tác cung cấp sản phẩm cho đơn vị theo cơ chế chuỗi thống nhất chứ không tự động bán ra ngoài. Còn hiện tại, để đảm bảo tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cho nông dân, HTX tích cực mở rộng tuyên truyền, quảng bá để các trường học, bếp ăn, nhà máy tại địa phương quan tâm sử dụng nguồn nông sản thực phẩm an toàn trong bữa ăn của người lao động và trẻ nhỏ mỗi ngày.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cuối năm 2016, huyện Yên Thuỷ khuyến khích các xã phát triển mô hình trồng cây có múi. UBND huyện giao Trạm KN-KL thực hiện 3 mô hình về trồng cam an toàn thực phẩm với giống cam CS1, quy mô 5 ha tại xóm Cây Báy, xã Lạc Hưng với 9 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 237,1 triệu đồng; mô hình trồng bưởi Diễn an toàn thực phẩm, quy mô 5 ha tại thị trấn Hàng Trạm có 15 hộ tham gia với kinh phí thực hiện 227,95 triệu đồng; mô hình trồng bưởi Diễn cải tạo vườn tạp, quy mô 15 ha, trong đó tại xóm Đình, xã Phú Lai 5 ha; xóm Đồng Lạc, xã Đoàn Kết 5 ha; xóm Lòng, xã Yên Trị 5 ha với 56 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện trên 987 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 410 triệu đồng.
(HBĐT) - Với vai trò là cầu nối đưa tiến bộ KH-KT đến với người dân, những năm qua, Trạm KN-KL huyện Lạc Sơn đã ứng dụng tiến bộ KH-KT xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
(HBĐT) - Chiều 5/4, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 tổ chức hội nghị thẩm định, bỏ phiếu xét công nhận 6 xã đạt chuẩn NTM đợt 1 năm 2016 gồm xã Mãn Đức (huyện Tân Lạc); xã Nam Phong, (huyện Cao Phong); xã Tân Mỹ, xã Xuất Hóa (huyện Lạc Sơn); xã Thanh Nông (huyện Lạc Thuỷ) và xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn). Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Phát huy nguồn lực xã hội và người dân làm đường giao thông nông thôn (GTNT) được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Từ việc huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, Yên Trị (Yên Thủy) đang trên hành trình về đích nông thôn mới. ông Bùi Văn Quảng, xóm Minh Thành, Yên Trị cho biết: Nhận thức đầy đủ, bà con trong xóm phấn khởi hưởng ứng chương trình phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM. Xóm có 125 hộ gia đình tích cực đóng góp công sức, tiền của làm hạ tầng GTNT. Có những gia đình hiến đất, góp công ủng hộ làm đường đến cả chục triệu đồng. Từ chỗ chưa có đường bê tông hóa, đến nay, toàn xóm đã có hơn 3 km được bê tông hóa theo chuẩn NTM. Hiện, người dân sôi nổi hưởng ứng phong trào của xã để làm đường ra đồng ruộng phục vụ sản xuất và cải thiện dân sinh.
(HBĐT) - Theo số liệu ngành Công Thương, trong quý I, kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu ước đạt 103,67 triệu USD, tăng 30,95% so với cùng kỳ năm trước, bằng 22,3% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Về xã Thành Lập (Lương Sơn) hiện có rất nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Điển hình là mô hình nuôi vịt đẻ trứng của gia đình anh Vũ Văn Sơn thôn ở 3 - 2B, xã Thành Lập, mỗi tháng cho thu 30 triệu đồng. Với diện tích 6 ha, địa hình thuận lợi, ao, hồ rộng nên gia đình anh đã đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Năm 2010, anh nuôi khoảng 1.000 con, vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật để đạt được hiệu quả. Nhờ ham học hỏi, cần cù, chịu khó nên anh Sơn đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật nuôi. Nuôi đến khoảng 4 tháng là vịt bắt đầu đẻ trứng, đem lại nguồn thu cho gia đình. Nhận thấy bước đầu thành công nên anh Vũ Văn Sơn tiếp tục đầu tư nhân đàn. Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình anh có 4.500 vịt đẻ trứng.