Tại địa bàn các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ những ngày diễn ra đợt nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo ghi nhận, công suất và sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn do Tổng công ty Ðiện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý, công suất cao nhất (Pmax) là ngày 5-6 đã đạt 9.233MW, cao hơn 22,88% so với Pmax tháng 5. Sản lượng điện tiêu thụ ngày 5-6 lên tới 201,8 triệu kW giờ, cao hơn 23% so với sản lượng ngày cao nhất tháng 5.
Ðể chủ động đối phó với nắng nóng, ngay từ đầu tháng 5, EVNNPC đã có công điện chỉ đạo các công ty Ðiện lực, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc về việc bảo đảm sẵn sàng cung ứng điện ở mức cao nhất. Mặc dù nguồn điện hiện thời hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và hệ thống điện đang có dự phòng công suất, nhưng do nắng nóng với nền nhiệt độ ngoài trời hơn 400C, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, dẫn đến quá tải cục bộ, gây sự cố hoặc nhảy áp-tô-mát ở một số đường dây và trạm biến áp, làm gián đoạn cung cấp điện ở một số khu vực và khách hàng. Tuy nhiên phần lớn sự cố được lực lượng ứng trực kịp thời xử lý trong thời gian sớm nhất.
Mùa hè năm nay, theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, sẽ tiếp tục còn các đợt nắng nóng do tác động của En Ni-nô. Thông thường, tháng 6 và 7 là thời gian có nhiều đợt nắng nóng và với cường độ mạnh nhất. Mỗi tháng, trung bình có từ hai đến ba đợt, trong đó, phần lớn là nắng nóng gay gắt. Nguồn cung điện cung ứng cho miền bắc nói riêng và cả nước nói chung là không thiếu. Tuy nhiên, khả năng khi thời tiết nắng nóng, tình trạng quá tải cục bộ vẫn có thể xảy ra. Do đó, cùng với việc bảo đảm các điều kiện quản lý vận hành kỹ thuật, ngành điện luôn khuyến cáo và mong muốn các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay đạt hơn 43 nghìn MW, bảo đảm nhu cầu về điện cho nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc mất điện tại một số khu vực nhỏ lẻ và một số khách hàng riêng rẽ vẫn xảy ra do quá tải cục bộ hệ thống lưới điện, quá tải các trạm biến áp hạ thế hoặc áp-tô-mát bảo vệ của từng hộ gia đình quá tải. Nguyên nhân chủ yếu là do trong cùng một thời điểm nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng vọt làm nhảy áp-tô-mát, gây mất điện cục bộ.
Để bảo đảm lưới điện vận hành ổn định an toàn, cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai đồng bộ các giải pháp: điều hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, tình hình cấp khí, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; thực hiện kịp thời các biện pháp san tải, cân, đảo pha, hoán đổi máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam, các đơn vị phát điện bảo đảm nguồn phát cho hệ thống điện. Khi nhiệt độ ngoài trời ≥360C, ngành điện dừng tất cả các công việc công tác trên lưới điện gây mất điện cho khách hàng; bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thấp nhất thời gian mất điện của khách hàng, cần ưu tiên bảo đảm nhu cầu điện cho các hộ gia đình.
Theo báo Nhân Dân