(HBĐT) - Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển như: quy định trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh; trình tự một số thủ tục hành chính dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài khu công nghiệp, dự án PPP trên địa bàn tỉnh; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… và nhiều cơ chế chính sách khác giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển…
Theo đó, số lượng các doanh nghiệp, dự án đầu tư
của tỉnh đã tăng qua các năm. Đến nay, tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp hoạt
động độc lập với tổng số vốn đăng ký 29.382.092 tỷ đồng, trong đó: Số doanh
nghiệp đang hoạt động ổn định chiếm 82,5%; có tổng số 277 HTX, trong đó đang
hoạt động 155 HTX. Số dự án đầu tư trên toàn tỉnh có 449 dự án, trong đó, 29 dự
án FDI với tổng vốn đăng ký 468 triệu USD và 420 dự án đầu tư trong nước với
tổng vốn đầu tư đăng ký 62.257 tỷ đồng.
Vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp dân doanh,
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năm 2016, kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 48,8% tổng
sản phẩm của tỉnh (GRDP), chiếm 63,24% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn; thu
hút phần lớn lực lượng lao động của nền kinh tế (khoảng 90,6%) góp phần quan
trọng huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh,
tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước,
tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân có xu
hướng giảm, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Doanh nghiệp đa phần có quy mô vừa và nhỏ; trình độ công nghệ, quản trị, năng
lực tài chính, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp liên quan
đến lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 22,2% trong tổng số doanh
nghiệp trên địa bàn, hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Nhiều dự án
chậm triển khai, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Tình
trạng sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra tại một số
địa phương. Nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm lợi ích của người lao động. Số nợ
bảo hiểm có xu hướng tăng, năm 2016, tổng số nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp
tăng 32,7% so với năm 2015. Năng suất lao động của tỉnh còn thấp, bằng 60,8% so
với cả nước. Nguyên nhân được lý giải là do xuất phát điểm và năng lực nội tại
của kinh tế tư nhân còn thấp. Các nguồn lực, điều kiện của tỉnh chưa đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân, nhất là hạ tầng và nhân lực. Việc thực hiện
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế
tư nhân hiệu quả chưa cao.
Trên cơ sở định hướng của Đảng và Nhà nước, tỉnh đang
chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng chương trình, giải pháp cụ thể để phát
triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, phấn đấu
đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp, HTX được thành lập và hoạt
động hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Đóng góp của khu vực kinh tế tư
nhân đạt khoảng 50%, đến năm 2025 đạt khoảng 60% và đến năm 2030 đạt trên 70%
GRDP của tỉnh. Bình quân giai đoạn 2016-2020, đầu tư của doanh nghiệp chiếm
trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động xã hội bình quân tăng
khoảng 8%/năm…Để thực hiện mục tiêu này, các ngành chức năng đang tham mưu cho
UBND tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo
gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển sản xuất,
kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
phát triển đang được xác định là trách nhiệm của hệ thống chính trị, các sở,
ngành và chính quyền các cấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể nâng
cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện chất lượng điều hành, thực hiện cơ
chế đối thoại tháo gỡ khó khăn theo chuyên đề, lĩnh vực với doanh nghiệp, nhà
đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận với
các cơ chế, chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất,
kinh doanh. Thực hiện quan điểm xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều
kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát
huy mặt tích cực của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra,
giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt
tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của quan hệ lợi ích nhóm, cạnh
tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Phát huy phong trào khởi nghiệp và
đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết
hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh
nghiệp nhằm tạo mối liên kết kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng
sản xuất, chuỗi giá trị. Phát triển đội ngũ doanh nhân có ý thức chấp hành pháp
luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây
dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.
L.C