Đồng chí Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Lạc cho biết: Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong huyện tập trung đầu tư các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; hoạt động khai thác nguồn vốn từ các nguồn tín dụng, ngân hàng, quỹ hội để hỗ trợ chị em khó khăn, chị em có nhu cầu sử dụng vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt là phổ biến, tuyên truyền Dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện triển khai ký cam kết thi đua, trong đó xây dựng tiêu chí: 100% cơ sở Hội xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức khảo sát chương trình vay vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất. ảnh: Hội LHPN tỉnh khảo sát tại chi Hội phụ nữ xóm Lâm Hóa 2, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn).
Cùng với đó, các cấp Hội LHPN huyện Tân Lạc vận động chị em tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, phối hợp tổ chức gần 20 lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 600 lượt hội viên phụ nữ tham gia theo Đề án 295 về hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010- 2015 và kế hoạch giai đoạn 2015- 2020. Ngoài ra, các cơ sở Hội chú trọng hoạt động tiết kiệm giúp hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp tục duy trì mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hộ hội viên thoát nghèo. Với các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp, 6 tháng đầu năm đã có 1.450 lượt hội viên được vay vốn. Số phụ nữ nghèo làm chủ được Hội giúp là 245/524 hộ.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong tỉnh tập trung thực hiện các hoạt động cụ thể như: Tại 2 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức tập huấn cho trên 200 Chủ tịch, Phó chủ tịch, UV BCH, Chi hội trưởng PN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp thành lập các mô hình kinh tế tập thể, HTX do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục phát động phong trào "Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, "Mỗi chi hội đăng ký giúp đỡ 1 hội viên thoát nghèo bền vững” và duy trì các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương như: Mô hình đàn bò 100.000 đồng (huyện Tân Lạc), "Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế đa dạng” (huyện Đà Bắc), "Liên kết trồng cây có múi” (huyện Cao Phong)…
Đặc biệt, các cấp Hội chú trọng các loại mô hình tiết kiệm tại chi, tổ Hội, tiết kiệm tín dụng. Trong 6 tháng, các cấp Hội thành lập mới 28 nhóm tiết kiệm tín dụng với số vốn huy động được trên 200 triệu, giúp 28 hội viên vay vốn. Cùng với đó, các cấp Hội tổ chức kiểm tra quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH tại 6 huyện. Hầu hết, các tổ vay vốn do Hội quản lý đều hoạt động hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Đến nay, tổng số vốn vay do các cấp Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH là 706,316 tỷ đồng, cho 28.554 hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (0,11%).
Hội LHPN các huyện: Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Sơn đã tổ chức ký thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT huyện về việc "Tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55, ngày 9/6/2015 của Chính phủ”. Hội LHPN Lương Sơn tổ chức 1 lớp tập huấn cấp huyện về hướng dẫn vay vốn Ngân hàng NN&PTNT.
Các hoạt động tập huấn, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ cũng được đẩy mạnh giúp chị em nâng cao kiến thức, chất lượng cuộc sống.
Hồng Duyên