Người dân xã Sơn Thủy (Kim Bôi) thu hoạch nhãn niên vụ 2017.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chế biến nông sản
Có một thực tế không thể phủ nhận là để các sản phẩm rau, quả có chỗ đứng trên thị trường rộng mở hiện nay thì cần phải có được chỉ dẫn địa lý. Để có được chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Như vậy, điều rõ ràng là công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt cần quan tâm.
ý kiến này được đồng chí Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đưa ra trong một diễn đàn nhằm tìm giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Thực tế, trong thời gian qua nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất và chuyển giao cho nông dân. Qua hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp người nông dân tiếp cận được với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ sản xuất đến sơ chế trong phát triển cây rau hữu cơ; ứng dụng hiệu quả trên diện rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM trên cây có múi, cây rau; đào tạo nghề trồng rau an toàn, trồng cây có múi cho lao động nông thôn ở các vùng khó khăn trong tỉnh. Theo đó, trong 3 năm qua (cuối năm 2014- 5/2017), các địa phương đã tổ chức được trên 500 lớp tập huấn với 30.000 người tham gia như huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy.
Công ty Pacific Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chế biến nông sản tại Hòa Bình. Ảnh: Công nhân Công ty Pacific Hòa Bình sơ chế gừng xuất khẩu.
Được chuyển giao KH-KT, một số địa phương triển khai việc hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ sản xuất đến tiêu thụ. Xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình liên kết - tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt có hiệu quả. Đến nay đã có nhiều mô hình được triển khai, thực hiện thành công như: mô hình trồng cam, quýt, bưởi thu nhập trên 700 triệu đồng/ha tập trung tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy; mô hình trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt, ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Tân Lạc với diện tích trên 25 ha; mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột Nhật của Công ty Pacific tại Kỳ Sơn; mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn; mô hình áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tưới canh tác cam tại huyện Cao Phong với quy mô trên 100 ha. Bên cạnh đó, một số địa phương đã thực hiện các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang cây có múi, cây rau cho thu nhập cao như: Trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ, mô hình trồng quả lặc lày thu nhập trên 120 triệu đồng đồng/ha/vụ, mô hình trồng bí xanh thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ.
Với sự quan tâm rốt ráo, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhãn Sơn Thủy, huyện Kim Bôi, rau su su Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, quả lặc lày huyện Lương Sơn. Hiện, Sở KH&CN đang tiếp tục hỗ trợ chứng nhận thương hiệu sản phẩm cam huyện Lạc Thủy, bưởi đỏ huyện Tân Lạc. Thông qua các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất giúp cho nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, từng bước góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản
Nền nông nghiệp tỉnh ta vẫn đang trên đà phát triển, nhưng cũng đã bộc lộ những yếu kém đó là dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Theo đó, năng suất và chất lượng chưa đảm bảo, thường xuyên phải đối mặt với hiện tượng được mùa- rớt giá. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây tỉnh ta đã có những động thái tích cực để thúc đẩy liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Các thành viên HTX nông sản hữu cơ xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) kiểm tra chất lượng rau thành phẩm.
Tháng 11/2014, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14, ngày 13/11/2014 về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2014-2020. Trong đó, quy định rõ chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển nông sản hàng hoá được tiêu thụ tại thị trường ngoại tỉnh; hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển nông sản tham gia triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước; hỗ trợ 50% các loại phí kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở SX-KD thực phẩm nông- lâm - thủy sản; quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh bạn; tham gia trên sàn giao dịch nông sản tại Hà Nội; phí tham gia triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước. Đây được coi là một động thái hết sức tích cực để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp nói chung, trong đó, kỳ vọng lớn vào việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đồng chí Trần Văn Tiệp, giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc thực hiện nghị quyết này hiện còn nhiều vướng mắc và hiệu quả chưa rõ nét. Có ít hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, cái được là đã hình thành mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các nhóm nông dân đã hợp tác hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đi vào hoạt động có hiệu quả, cụ thể như: Mô hình sản xuất, tiêu thụ cây có múi an toàn của HTX Mường Động, huyện Kim Bôi; HTX nông nghiệp Phúc Linh; nhóm sản xuất cây có múi Thanh Thủy; mô hình sản xuất, tiêu thụ cây có múi VietGAP Đác Tra Cao Phong; trang trại cây có múi Trần Hoài Anh, huyện Lạc Thủy.
Với cây rau nổi lên các mô hình sản xuất, tiêu thụ như: Liên nhóm rau hữu cơ huyện Lương Sơn; mô hình sản xuất, tiêu thụ áp dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Skyfarm tại xóm Khuộc, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn xã Lạc Long và thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy; mô hình sản xuất rau su su xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc; mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Dân Chủ - TP Hòa Bình; mô hình của Công ty Pacific Hòa Bình với sản phẩm dưa chuột, gừng… Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau an toàn (tại huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình), trong đó có 1 cửa hàng được Bộ NN&PTNT xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi của HTX Nông sản hữu cơ Lương Sơn.
Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa, tập trung chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP) đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm cây có múi, cây rau, đặc biệt là sản phẩm rau hữu cơ, rau su su, tỏi tía đã được mở rộng ra nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. UBND tỉnh đã ký văn bản hợp tác với UBND thành phố Hà Nội, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn ký kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (cây có múi, cây rau) với Hà Nội. Một mặt chỉ đạo các địa phương đôn đốc điều hành hoạt động của các HTX trong liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân, qua đó nâng cao tỷ lệ tiêu thụ nông sản cũng trên địa bàn.
Mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới là: Nâng cao giá trị gia tăng ngành và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt trên 4,5%/năm, giá trị thu nhập đạt trên 120 triệu đồng/năm/ha canh tác trồng trọt.
Nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là: Phát huy điều kiện tự nhiên để phát triển cây trồng có lợi thế. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế của tỉnh (cây có múi, cây công nghiệp, rau màu...). Phấn đấu đến năm 2020 có trên 6,1 nghìn ha cây ăn quả có múi, 7,5 nghìn ha mía ăn tươi, 6,3 nghìn an rau an toàn.
Lam Nguyệt