Ông Bùi Văn Nhuần ở xóm Tren, xã Tự Do (Lạc Sơn) thu mật từ đàn ong thả rừng.
Chúng tôi đến đúng ngày hộ ông Bùi Văn Nhuần ở xóm Tren thu mật từ lứa ong thả rừng. ông Nhuần cho biết: Gia đình có 4 thùng nuôi ong. Thùng là nơi đàn ong trở về làm mật còn ngày ngày, từ sáng sớm chúng đã lên rừng kiếm ăn, hút phấn hoa đến khi trời tối mới theo đàn trở về nhà. Để lấy mật, các hộ nuôi ong vẫn làm theo phương thức truyền thống. Phần sáp chứa đầy mật ong được mang ra vắt theo cách thủ công. Trước đây, nhà ông Nhuần chỉ có 1 thùng ong, về sau có sự hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo, ông gây được 4 thùng. Mỗi vụ khai thác, ông thu được chừng 50 lít mật ong. Với giá bán hiện tại khoảng 280.000 đồng/lít, thu nhập của gia đình ông từ nuôi ong thả rừng tăng thêm hàng chục triệu đồng, cũng có nghĩa đây đã trở thành nguồn thu nhập chính.
Bà con nuôi ong thả rừng ở đây tiết lộ, để thu mật ong nguyên chất phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thu mật, phễu lọc, thùng quay mật, chổi quét ong, dao cắt, bình phun khói găng tay, khay cắt nắp, thùng chuyển cầu ong… Trước khi quay mật, tất cả dụng cụ phải được rửa sạch, lau khô. Thời điểm thích hợp để quay là khi đàn ong đã vít nắp 60 - 70%. Khi quay mật, thao tác giũ ong để lấy mật phải thật lưu ý giữ an toàn cho ong chúa. Cầu ong luôn được giữ ở tư thế thẳng đứng, cánh tay cố định, rung mạnh từ cổ tay làm cho ong thợ rụng xuống đáy thùng và phải rung liên tục không cho ong đậu tiếp vào cầu.
Tiếp theo là thao tác cắt nắp, cầu ong đặt chéo 300 so với đường thẳng đứng, 1 góc lì vào khay cắt nắp, tay trái giữ cầu, tay phải dùng dao lia nhẹ để hớt nắp mật trên bánh tổ. Sau cùng là quay mật, yêu cầu thao tác phải nhẹ nhàng, tốc độ quay từ chậm đến nhanh dần. Các vụ mật cách nhau khoảng 1 tháng, thời gian thu mật ở đây kéo dài khoảng nửa năm, thường từ tháng 4 đến tháng 9 khi thời tiết ấm áp, muôn hoa bung nở khắp núi rừng.
Đó cũng là thời điểm hộ nuôi ong các xóm vào vụ thu mật hàng năm. Không gấp gáp, vội vàng mà nhà nhà chờ đến khi những ngăn chứa được ong trát kín bằng sáp ong mới dùng kỹ thuật để lấy bánh tổ ong ra khai thác mật. Anh Bùi Văn Tuệ, trưởng nhóm nuôi ong xóm Tren cho biết: Sở dĩ bà con nuôi ong thả rừng trên đây kiên nhẫn chờ đến lúc thu mật là để có được mật ong chín đúng độ, chất lượng hảo hạng. Trong khi đa số hiện nay người nuôi ong đều thu hoạch sớm để rút ngắn thời gian, tăng sản lượng thì người nuôi ong trên địa bàn xã vùng cao Tự Do không vì lợi nhuận mà làm mất đi tiếng thơm về đặc sản mật ong trứ danh ngọt vị, thơm hương, sánh quyện.
Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có trên 70 hộ nuôi ong ở các xóm Sát Thượng, Trên, Tren, Kháy, Mu, Mòn… Tuy nhiên, số nuôi khá rải rác, chỉ duy có xóm Tren là có hộ nuôi ong tập trung nhất với 37 hộ, tổng số hơn 200 đàn ong. Đây cũng là xóm đầu tiên thành lập được nhóm đồng sở thích nuôi ong thả rừng có sự tập huấn kỹ thuật bài bản và hỗ trợ của các thành viên trong nhóm.
Theo đồng chí Bùi Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã: Với lợi thế rừng tự nhiên phong phú của khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nhân dân các dân tộc đã tận dụng, phát triển nghề nuôi ong mật thả rừng, góp phần không nhỏ tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống của bà con. Đặc biệt là "tiếng lành đồn xa”, cùng với xu hướng phát triển dịch vụ du lịch, sản phẩm mật ong do bà con làm ra được tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn, khách hàng gần, xa tin tưởng. Nhiều người không tiếc công sức cũng chẳng quản ngại đường sá cách trở lên tận đây thưởng thức, tìm mua cho được thứ mật ong tự nhiên, nguyên chất đặc sản núi rừng.
Sáng 7-9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo giới thiệu Báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ - tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và Tăng cường sức cạnh tranh, liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ, do Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức.