(HBĐT) - Đó là tin vui khi tới đây, sự kiện công bố nhãn hiệu tập thể và hội chợ cam Lạc Thủy sắp được diễn ra. Điều này cũng ghi nhận những nỗ lực của người trồng cam trên địa bàn huyện sau bao năm gìn giữ và phát triển thương hiệu vùng cam ngọt.
Nếu ai đã từng nếm thử giống cam trồng trên đất Nông trường
Thanh Hà, thị trấn Thanh Hà có tiếng trước kia hay vùng cam mới xã Liên Hòa hôm
nay sẽ xuýt xoa bởi vị ngọt đậm, dậy mùi thơm. Người tiêu dùng ưa chuộng và dù
cho mấy năm gần đây, cam Lạc Thủy chưa thực sự được quảng bá nhiều nhưng sản
phẩm của bà con vùng cam sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều người từng
ăn cam ở vùng khác vẫn không thôi nhắc đến cam Lạc Thủy như một đặc sản, phù
hợp với thổ nhưỡng nơi này.
Theo thống kê toàn huyện hiện có 996 ha cây có múi,
trong đó diện tích cam 668 ha, bưởi 253 ha, chanh lòng vàng 55 ha. Tính riêng
diện tích cam trồng mới kể từ năm 2015 đến nay khoảng 465 ha, trong đó, năm
2017 trồng 213 ha. Những vùng cam rộng lớn nhất phải kể đến xã Liên Hòa có 214
ha, xã Phú Thành 286 ha, thị trấn Thanh Hà 140 ha, Thanh Nông 50 ha, Phú Lão 40
ha. Hiện nay, trên 30% tổng diện tích cây ăn quả có múi vào thời kỳ kinh doanh,
năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn cam/ha ở niên vụ 2016 - 2017. Nhẩm tính với
giá bình quân 22.000 đồng/kg, người trồng cam đạt doanh thu 550 triệu đồng đến
trên 600 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí 150 - 200 triệu đồng/ha, nông dân
thu lãi 400 triệu đồng trở lên/ha.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN & PTNT
huyện cho biết: Đáng kể là người trồng cam trên địa bàn đã tiếp thu và có trình
độ, khả năng thâm canh tốt. 100% hộ trồng đều áp dụng quy trình chăm sóc, sử
dụng các chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ trộn với vôi, đảm bảo an toàn thực
phẩm, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khoảng 30% diện tích cam, bưởi
thời kỳ kinh doanh đã sử dụng túi bọc nilon có ưu điểm tránh được sâu bệnh,
sương muối, ruồi vàng, thuốc BVTV giúp năng suất tăng khoảng 20%, đồng thời giá
trị cam, bưởi thành phẩm cũng tăng 2 - 3 giá so với sản phẩm không được bọc.
Bởi vì qua hạch toán, mỗi ha cam, bưởi được bọc sẽ đảm bảo lợi nhuận dôi ra
khoảng 40 triệu đồng nhờ không bị rụng, bị ruồi đốt, từ đó mẫu mã quả đẹp hơn
so với không bọc, năng suất, giá trị tăng.
Theo đồng chí Vũ Hùng Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ
tầng huyện Lạc Thủy, về độ dinh dưỡng, độ ngọt của cam Lạc Thủy được đánh giá
rất cao nhưng đến nay chủ yếu là tự sản xuất, tự tiêu thụ. Tới đây, khi có
thương hiệu thị trường sẽ mở rộng trên phạm vi cả nước, giá cả cũng cao hơn.
Vào cuối năm 2016, với quan điểm thúc đẩy phát triển thương hiệu, huyện đã xúc
tiến quy trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Lạc Thủy với các bước xây
dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng, hướng
dẫn kỹ thuật và bảo quản cam Lạc Thủy, xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu tập
thể, đăng kỹ sở hữu trí tuệ mang nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và giới thiệu sản phẩm cam Lạc Thủy tại
các cửa hàng nông sản. Hiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm cam Lạc
Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH & CN chấp nhận và quyết định cấp
nhãn hiệu tập thể. Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy sẽ được tổ chức
vào trung tuần tháng này.
Bùi
Minh