(HBĐT) - Thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐ,ĐT), tức là chia lại, xác lập quyền sở hữu ruộng đất mới cho người dân là công việc khó và phức tạp. Tuy vậy, Yên Thủy là địa phương thực hiện thành công và có quy mô chủ trương DĐ,ĐT đất nông nghiệp, tổ chức lại quỹ đất sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước hình thành vùng sản chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững gắn với xây dựng NTM.

 

Sau DĐ,ĐT, đồng ruộng huyện Yên Thủy được tổ chức lại, hình thành cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả sản xuất. ảnh: Cán bộ huyện Yên Thủy giới thiệu cánh đồng lúa rộng lớn tại xóm Minh Thành, xã Yên Trị).

 DĐ, ĐT là khâu đột phá xây dựng NTM

 Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Thị Kim Cúc cho biết: Huyện xác định DĐ,ĐT là khâu đột phá để xây dựng NTM trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi. Từ thực tiễn đồng ruộng manh mún, trung bình mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000 m2 đất trồng cây hằng năm nhưng lại chia thành 8-12 thửa đất, cá biệt có hộ tới 30 thửa. Ruộng đất phân tán rất khó khăn cho đầu tư sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, hệ thống thủy lợi, giao thông nhỏ hẹp hoặc chưa được đầu tư. Đây là lực cản lớn để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, vì vậy đòi hỏi phải quy hoạch lại ruộng đồng, tổ chức lại quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng nền sản xuất mới, thực hiện mục tiêu đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người nông dân.

 Từ thực tiễn trên, Huyện ủy Yên Thủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 17/12/2012 về mục tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2013; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của HĐND huyện khóa XVIII, kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013. Trong đó xác định công tác DĐ,ĐT là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

 Như vậy, chủ trương của cấp ủy, chính quyền được ban hành đã xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân, từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia, chỉ đạo sâu sát, công tâm và có trách nhiệm, thực hiện đúng nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của người dân, thực hiện toàn diện phong trào DĐ,ĐT, góp phần thúc đẩy sản xuất, gắn với xây dựng NTM cũng như chỉ đạo giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra, đưa nhanh chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 Xây dựng thành công mô hình điểm nhân diện

 Năm 2013, Yên Thủy bắt đầu thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chọn 3 xóm: Hổ 2, Trường Long thuộc xã Ngọc Lương, xóm Ao Hay thuộc xã Yên Trị để chỉ đạo thực hiện thí điểm. Huyện đã thành lập BCĐ từ cấp huyện xuống cơ sở, cơ cấu cán bộ có đủ năng lực, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện. Các đồng chí BTV Huyện ủy, thủ trưởng các ngành chức năng được phân công phụ trách các xã, xóm. Các cơ quan chuyên môn bám sát ruộng đồng để tổ chức thực hiện. Trong chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đại diện các hộ dân là người có uy tín trong xóm. Tại 3 xóm thí điểm đều thực hiện DĐ,ĐT theo cách quy hoạch lại đồng ruộng, phân chia diện tích đất nông nghiệp thành các cánh đồng, tổ chức bốc thăm vị trí đất của từng hộ trên từng cánh đồng, sau đó đo đạc giao đất cho các hộ theo vị trí đã bốc thăm.

 Sau gần một năm tích cực DĐ,ĐT tại 3 xóm, huyện Yên Thủy đã vận động được 179 hộ dân tham gia thực hiện, tổng diện tích đã DĐ,ĐT là 90,59 ha, trong đó xóm Trường Long có 20,24 ha, xóm Hổ 2 có 33,59 ha và xóm Ao Hay có 36,76 ha. Từ chỗ bình quân mỗi hộ có 9,21 thửa, cá biệt có hộ có đến 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 550 m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, bình quân mỗi thửa 1.783 m2. Các xóm cũng tổ chức quy hoạch lại ruộng đồng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi theo quy hoạch NTM. Người dân tích cực hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa.

 Từ việc thí điểm thành công, huyện Yên Thủy đúc rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện lại quy trình thực hiện, cách thức thực hiện và kiện toàn bộ máy để triển khai nhân rộng ngay từ năm 2014. Qua 4 năm thực hiện, đã có 36 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Các xóm, xã thực hiện đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm 65%, mỗi hộ chỉ còn từ 1-3 thửa, hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch NTM được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân. Diện tích đất 5%, đất dãn dân, đất nghĩa trang được quy hoạch tập trung thuận tiện cho việc quản lý. 100% diện tích đất đã DĐ,ĐT được cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa. Chi phí sản xuất đã giảm 10 triệu đồng/ha/năm. Việc thực hiện dồn điền đổi thửa theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện không nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác DĐ,ĐT.

 

Những bài học kinh nghiệm

 Bí thư huyện ủy Yên Thủy Bùi Trung Kiên cho biết: DĐ,ĐT là công việc khó, phức tạp, để thực hiện thành công cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phải có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân. Trong quá trình chỉ đạo phải sâu sát và phù hợp với thực tế, có cơ chế giám sát, kiểm soát để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đôn đốc thực hiện. Đặc biệt đề cao vai trò, sự nhiệt tình, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể xóm và sự gương mẫu chấp hành của cán bộ, đảng viên ở xóm thực hiện sẽ quyết định thành công của việc DĐ,ĐT. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ lợi ích thiết thực khi thực hiện DĐ,ĐT. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phương án DĐ,ĐT phải được nhân dân bàn bạc kỹ, thống nhất theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong quá trình thực hiện, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 Việc dồn điền hay đổi thửa phải căn cứ địa hình đất nông nghiệp của từng xóm. Nếu diện tích đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng thì thực hiện theo cách dồn điền, nếu địa hình ruộng bậc thang thực hiện theo cách đổi thửa, cần linh hoạt trong quá trình thực hiện. Quy hoạch xây dựng NTM phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác dồn điền đổi thửa. Quá trình DĐ,ĐT thực hiện cần liên tục, khẩn trương để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất (sau thời gian gặt mùa tháng 9, 10 dương lịch) để đảm bảo cho sản xuất vụ chiêm xuân năm sau. Phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi dồn điền đổi thửa, tiến hành thu lại GCNQSDĐ đã cấp và cấp đổi GCNQSDĐ cho nhân dân. Từ kết quả này, huyện Yên Thủy đang tập trung chỉ đạo toàn diện công tác dồn điền đổi thửa, tổ chức sắp xếp lại đất đai theo quy hoạch tại các xóm, xã còn lại, xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.


 Lê Chung


Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nông dân huyện Kim Bôi vượt khó sản xuất vụ đông

(HBĐT) - Xóm Bờ, xã Trung Bì (Kim Bôi) có bãi bồi rộng chạy dọc theo con suối luôn dồi dào nước. Khu đất màu mỡ này chưa bao giờ bị bỏ trống trong bất cứ vụ đông nào. Năm nay cũng thế. Mặc dù vào trung tuần tháng 10 vừa qua, mưa lũ lịch sử làm nước suối dâng cao, vùi lấp làm hư hại toàn bộ diện tích ngô đông trồng trước đó hơn chục ngày khiến nông dân chỉ còn lựa chọn duy nhất sau khi nước rút: làm lại đất để trồng loạt cây mới trên nền đất cũ, quyết tâm không để đất trống trong sản xuất vụ đông.

Hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển

(HBĐT) - Từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh được đánh giá triển khai kịp thời các giải pháp hoạt động tiền tệ, ngân hàng đem lại kết quả tích cực. Hoạt động của các ngân hàng khá ổn định, an toàn, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần phục vụ phát triển KT-XH địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư ngân sách đạt 72% kế hoạch

(HBĐT) - Kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2017 là 1.982.107 triệu đồng, đến nay đã hoàn thành giao chi tiết cho các dự án bao gồm: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác do tỉnh quản lý 997.390 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu 369.990 triệu đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 288.544 triệu đồng; vốn nước ngoài (ODA) 446.183 triệu đồng.

Huyện Kim Bôi giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động

Theo thống kê của Phòng LĐ - TB&XH huyện Kim Bôi, từ đầu năm đến nay, bằng nhiều giải pháp tích cực, đẩy mạnh công tác tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu lao động, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động.

Phát triển thương hiệu ngành ong gắn với an toàn thực phẩm

(HBĐT) - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển, mỗi năm, ngành ong của tỉnh với sản lượng hàng nghìn tấn đã đóng góp đáng kể cho sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn hộ dân. Tới đây, khi mật ong Hòa Bình được cấp nhãn hiệu chứng nhận, lợi thế sản phẩm này sẽ còn được nâng tầm.

Trên 600 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

(HBĐT) - Theo báo cáo của BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia, từ đầu năm đến nay, trên cơ sở huy động lồng ghép các nguồn vốn, cùng với nguồn vốn đầu tư năm 2017 là 602,699 tỷ đồng, tỉnh ta chủ yếu tập trung cho các xã ưu tiên, xã đặc biệt khó khăn, xã đăng ký về đích NTM năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục