Cán bộ UBND xã Nam Sơn (Tân Lạc) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây quýt cổ với người dân địa phương.
Đồng chí Đinh Văn Lừng, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2011- 2016, xã Nam Sơn đã huy động trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án lồng ghép… Cụ thể, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 1,7 tỷ đồng, Chương trình 135, dự án giảm nghèo 9 tỷ đồng và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng NTM, nhân dân xã đã hiến 8 ha đất các loại, hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên hiện nay, xã còn nhiều khó khăn thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường… Đây đều là những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để hoàn thành. Ngoài ra, tiêu chí số 10 về thu nhập và số 11 về hộ nghèo được xem là 2 tiêu chí khó nhất trong bộ tiêu chí NTM. Nếu các tiêu chí về hạ tầng cần nguồn vốn để hoàn thành thì tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với nhân dân thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2017, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 17 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,29%.
Để giải quyết được bài toán về thu nhập và hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền người dân năng động, sáng tạo phát triển các mô hình tế đem lại thu nhập cao. Trong đó, quýt cổ Nam Sơn được xác định là cây chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập và thoát nghèo của người dân. Theo thống kê, trên địa bàn xã đã trồng được 57,27 ha, trong đó có hơn 20 ha trong thời kỳ thu hoạch. Hiện nay có khoảng 50 hộ cải tạo diện tích vườn, mở rộng quy mô từ 200- 300 cây. Với mức giá ổn định 20.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 30.000 đồng/kg, nhiều hộ đã có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ ông Hà Văn Hưng (xóm Bái), bà Ngần Thị Quế (xóm Tớn), ông Bùi Văn Đon (xóm Xôm).
Cùng cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Đon ở xóm Xôm, một trong những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích đất vườn để trồng quýt cổ. Hiện nay, diện tích vườn của gia đình ông Đon được mở rộng lên 1 ha với 700 gốc quýt cổ. Năm 2016, gia đình ông thu bói 4 tấn quả, với giá thị trường ổn định ở mức 20.000 đồng/kg, ông thu về trên 80 triệu đồng. Trên đà phát triển, dự kiến trong năm 2017, lợi nhuận đem lại tăng gấp 3- 4 lần. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đon cho biết: "Nhận thấy một số gia đình trên địa bàn xã trồng quýt cổ đem lại thu nhập cao, tôi cũng mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng cải tạo diện tích đất và mua cây giống. Đến nay, cây đã cho quả ngọt, thu nhập của gia đình được cải thiện và cuộc sống ổn định hơn”.
Bên cạnh khôi phục giống quýt cổ Nam Sơn, chính quyền xã phối hợp với các sở, ban, ngành, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ 130 hộ trên địa bàn xã tham gia phát triển mô hình trồng chanh leo với tổng diện tích trên 10 ha. Ngoài ra, xã khuyến khích các hộ mở rộng quy mô gia trại chăn nuôi tổng hợp để nâng cao thu nhập. Theo thống kê trên địa bàn xã, tổng đàn trâu, bò có 800 con, 13.900 con gia cầm và 600 con lợn. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với Trạm KN-KL huyện tổ chức trung bình 5 - 6 buổi tập huấn, chuyển giao KH-KT, thu hút trên 200 học viên. Ngoài ra, tạo điều kiện cho thanh niên trong xã được tham gia các phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại huyện để tìm được công việc phù hợp.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển và nhân rộng diện tích trồng quýt. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã xây dựng thêm các mô hình kinh đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đồng thời hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng NTM.
Đức Anh