Thời điểm thu hoạch quả, một số hộ trồng cam đã nghĩ đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam tiếp cận với thị trường. Cụ thể tại khu vực ngã ba chợ ốc, thuộc phố ốc - xã Thượng Cốc đã có hàng chục ki ốt giới thiệu và bán cam của nhà vườn 2 xã Văn Sơn, Hương Nhượng. Các hộ trồng cam cũng đưa sản phẩm của mình giới thiệu và bán ở các chợ, các điểm giao thông có đông người và phương tiện qua lại như điểm tiếp giáp đường Hồ Chí Minh, địa phận xã Yên Nghiệp. Một số nhà vườn kết nối tiêu thụ qua tiểu thương trong và ngoài tỉnh để phân phối, cung ứng sản lượng lớn.
Qua phản hồi từ phía người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cây cam trồng trên đất huyện Lạc Sơn có chất lượng thơm ngon, vị ngọt đậm đà và mẫu mã không thua kém cam trồng ở các địa phương khác trong tỉnh. Chị Đinh Thị Thái, tiểu thương vận chuyển cam từ Lạc Sơn về Hà Nội cho biết: Có lẽ nhờ đi sau trong phát triển cây cam, các nhà vườn trên địa bàn huyện tiếp cận tốt hơn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi nên chất lượng cam trong vùng rất tốt. Tôi vận chuyển, phân phối chủ yếu là cam lòng vàng của Lạc Sơn. Khách mua các tỉnh đa số đều khen cam có vị ngọt đậm, tép giòn, màu vàng tươi và ít hạt.
Nhà vườn xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã xuất bán cam đường Canh ra thị trườngvới giá tại vườn 35.000 đồng/kg.
Đây chính là động lực để người dân trên địa bàn phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, bưởi. Thống kê của phòng NN&PTNT, đến nay, toàn huyện Lạc Sơn đã có 424,6 ha cây ăn quả có múi, phần lớn cam, bưởi trồng trên đất đồi trước đây trồng sắn, keo và một phần diện tích được trồng trên đất cải tạo vườn tạp. Diện tích cam tập trung ở các xã: Hương Nhượng, Văn Sơn, Mỹ Thành, Tân Mỹ, Thượng Cốc, ân Nghĩa, Bình Chân… Các hộ đầu tư trồng cam quy mô lớn như các ông: Nguyễn Văn Tứ ở xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc có 10 ha; Bùi Văn Việt ở xóm Cổi, xã Bình Chân có 6,5 ha; Bùi Văn Hiền ở xóm Chum, xã Hương Nhượng có 5 ha; Bùi Văn Dùng ở xóm Chuông, xã Xuất Hóa có 4,8 ha; Nguyễn Văn Thọ ở xóm Ba Rường, xã Mỹ Thành có 7,5 ha…
Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, ước tính khoảng 200 ha (gần 50%) diện tích cam đã cho thu hoạch, cam lòng vàng là cây trồng phổ biến, một số diện tích là cam đường Canh. Với tiềm năng, lợi thế đất đai, lao động, diện tích cam tiếp tục nhân lên. Huyện đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả có múi đến năm 2020 đạt tổng diện tích 800 ha. Năm nay, giá cam lòng vàng ổn định từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, cam đường Canh 35.000 đồng/kg tại vườn nên người trồng khá yên tâm, phấn khởi.
Tuy nhiên, để phát triển vùng cây ăn quả có múi bền vững hay không còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, nhất là vấn đề thị trường. Bước đầu, cam Lạc Sơn được người tiêu dùng ưa thích. Một số nhà vườn đầu tư thuê riêng lao động kỹ thuật từ các vùng trồng cam có tiếng của các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An xử lý trong suốt công đoạn ra hoa, đậu quả để cho ra sản lượng và chất lượng tốt nhất. Mặt khác, nhằm liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 HTX, gồm HTX sản xuất và kinh doanh cam Trung Kiên, địa chỉ tại phố Re, xã ân Nghĩa và HTX cam Lạc Sơn ở xóm Đồng Tâm 1, xã Thượng Cốc. Các HTX hiện thu hút trên, dưới 10 thành viên nhà vườn tham gia, tổng diện tích trong HTX từ 30 - 40 ha. Cùng với việc phát triển diện tích theo đúng quy hoạch, đòi hỏi huyện có hướng đi phù hợp, các giải pháp tăng cường quảng bá, hỗ trợ sản xuất theo hướng ATTP và từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu.
Bùi Minh