(HBĐT) - Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015 - 2020” được UBND huyện Yên Thủy triển khai từ năm 2015. Qua 3 năm, việc lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, KHCN, chương trình nông thôn mới, đề án đã trở thành "đòn bẩy” giúp nhiều hộ khởi nghiệp thành công dựa trên những lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Đồng
chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Xuất phát từ
thực tế huyện có lợi thế về đất đai, tuy nhiên người dân chủ yếu canh tác nhỏ
lẻ, manh mún. Mục tiêu của đề án nhằm tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận
được nguồn vốn, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đưa vào gieo trồng những loại cây
có giá trị kinh tế cao. Từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế
về đất đai, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Triển khai đề án, huyện Yên Thủy lựa chọn mô
hình trồng rau an toàn tại thị trấn Hàng Trạm với quy mô 0,7 ha, có 5 hộ tham
gia. Đề án hỗ trợ 21,9 triệu đồng vốn mua giống, phân bón cho các hộ. Ngoài ra,
các hộ được tạo điều kiện học kỹ thuật canh tác. Với hình thức cầm tay chỉ việc,
các hộ đã duy trì được mô hình với lợi nhuận sau khi thu hoạch trừ chi phí thu
lãi được gần 4 triệu đồng/sào. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế,
nhiều hộ dân thị trấn thực hiện quy
trình trồng rau an toàn.
Cũng bằng cách đầu tư về giống, phân bón và kỹ
thuật, huyện Yên Thủy tiếp tục thực hiện 9 mô hình chuyển đổi với quy mô 92 ha,
có 348 hộ tham gia với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng, bao gồm các mô hình:
Trồng bí xanh an toàn thực phẩm với quy mô 15 ha tại các xã: Bảo Hiệu, Hữu Lợi
và Phú Lai. Kết quả cho thấy năng suất bí xanh đạt 25 tấn/ha, giá bán 6.000
đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 80 triệu/ha. Mô hình trồng bí đỏ an
toàn quy mô 5 ha cũng cho lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi
phí. Mô hình trồng cam an toàn thực phẩm 5 ha, mô hình trồng bưởi Diễn an toàn
thực phẩm 5 ha và mô hình trồng bưởi Diễn cải tạo vườn tạp 15 ha hiện nay cây
đang sinh trưởng khá tốt, phân cành cấp 2. Ngoài ra có 3 mô hình trồng mía ứng
dụng khoa học kỹ thuật và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, đó là mô hình
hỗ trợ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu;
mô hình trồng mía tím nuôi cấy mô để cải tạo mía tím; mô hình trồng mía nguyên
liệu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và mô hình trồng thâm canh cây khoai sọ vụ
đông xuân - lúa mùa.
Năm 2017, huyện Yên Thủy đã xây dựng 5 mô hình
chuyển đổi và hỗ trợ 2 hợp tác xã xây dựng quy trình sản xuất bưởi Diễn theo
tiêu chuẩn VietGap với quy mô 67,8 ha, 405 hộ dân tham gia, tổng kinh phí 1.988
triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 1.040 triệu đồng, vốn nhân dân đóng
góp 948 triệu đồng. Đó là mô hình trồng rau an toàn tại thị trấn Hàng Trạm,
trồng cây măng tây tại xã Lạc Lương. Mô hình trồng mía ứng dụng KHCN, kết nối
tiêu thụ sản phẩm và 2 mô hình trồng cây có múi cải tạo vườn tạp, cam an toàn
thực phẩm quy mô 20 ha. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ
trợ, tư vấn hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc
Lương và hợp tác xã Bảo Hiệu, xã Bảo Hiệu xây dựng, áp dụng quy trình thực hành
nông nghiệp tốt (VietGap) trên tổng số 18 hợp tác xã và 20 tổ hợp tác đang hoạt
động. Đặc biệt năm 2017, huyện Yên Thủy đã thành lập mới 3 hợp tác xã và 1 tổ
hợp tác. Hiện nay các tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu hoạt động có hiệu quả,
kết nối thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho hội viên như HTX nông, lâm
nghiệp Bảo Hiệu, HTX dược liệu Yên Thủy.
Sau 3 năm thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây
trồng gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015-2020”,
cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Yên Thủy từng bước chuyển dịch trên cả 2
mặt: chuyển đổi giống cây trồng là việc đưa vào trồng thành công các loại giống
mới như khoai sọ nuôi cấy mô, mía tím nuôi cấy mô, bưởi Diễn, bưởi da xanh,
măng tây… và chuyển đổi loại cây trồng như tăng diện tích cây có múi, cây họ
bầu, bí, dược liệu. Đến nay, Yên Thủy đã có 440 ha bưởi, tăng 3,6 lần so với
năm 2014 trước khi thực hiện đề án; bí xanh 490 ha, tăng 1,2 lần. Thông qua
hoạt động xây dựng và thực hiện các mô hình, các hộ tham gia được hướng dẫn,
cầm tay chỉ việc thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách hệ thống, bài bản.
Đồng thời thông qua đề án đã góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của
người nông dân. Nhiều mô hình đã được nhân ra diện rộng tạo sự đột phá trong
sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên
diện tích canh tác.
Đinh Hòa