Trao đổi vấn đề này với đại diện phòng chuyên môn của sở Tài chính được biết khi mà tốc độ chi ngân sách địa phương tăng mạnh cũng là lúc tỉnh ta phải đặt ra nỗi lo về tốc độ tăng thu. Thực tế trong tổng chi ngân sách của tỉnh có đến 70% phải trông chờ vào trợ cấp ngân sách từ trung ương. Nói cách khác với tổng thu khoảng trên 3.100 tỷ đồng như năm 2017 với mức chi ngân sách Nhà nước gần 11 tỷ đồng, tỉnh ta vẫn cần hỗ trợ của trung ương từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, tính toán về cơ cấu trong thu ngân sách Nhà nước của tỉnh có thể đánh giá chưa mang tính bền vững. Cụ thể, trong tổng số thu ngân sách Nhà nước cả năm riêng đối với Công ty thuỷ điện Hoà Bình trong năm 2017 đóng góp trên 40%. Các năm trước, theo tính toán, tỷ lệ đóng góp của Thủy điện Hoà Bình đạt trung bình trên 50%; đối với khai thác tài nguyên đất đai đạt trên 20%. Cộng 2 nguồn thu này trong cơ cấu tổng thu của tỉnh đã chiếm từ 60-65%.
Theo ngành Tài chính đánh giá với quy mô nguồn thu nhỏ, phần lớn phụ thuộc vào Công ty thủy điện Hoà Bình dẫn đến nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh không bền vững, ngoài ra còn tiềm ẩn rủi ro khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, lượng nước về hồ Hoà Bình không đủ dẫn đến sản lượng điện sản xuất không đạt kế hoạch đề ra....
Cùng với đó, trên cơ sở số thu thực tế nhiều năm trở lại đây, riêng đối với thu NSNN cấp huyện, cấp xã được cho rất thấp. Thống kê, thu NSNN cấp xã chỉ chiếm 3%, cấp huyện chiếm khoảng 16%. Đối với mức độ chênh lệch về thu NSNN giữa các đơn vị cũng rất lớn, không đồng đều. Như năm 2018, trong dự toán giao thu NSNN của thành phố Hoà Bình trên 291 tỷ đồng; huyện Lương Sơn 193,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự toán giao thu NSNN đối với các huyện còn lại khá thấp như: Đà Bắc 12,9 tỷ đồng, Cao Phong 26,1 tỷ đồng... Đối với cấp xã, phường: phường Phương Lâm 7,3 tỷ đồng, xã Hoà Bình (TP Hoà Bình) 36 triệu đồng hay như xã Tiền Phong của huyện Đà Bắc dự toán giao thu chỉ 4 triệu đồng.
Theo tính toán của Sở Tài chính với những con số dự toán giao thu như vậy nên khả năng tự đảm bảo nhiệm vụ chi của cấp huyện chỉ 13%, cấp xã 9%, phần còn lại nhận trợ cấp từ ngân sách cấp trên.
Theo đồng chí Phạm Quang Thành, Phó trưởng phòng Quản lý ngân sách Nhà nước (Sở Tài chính), nhận thức được khó khăn đối với công tác thu NSNN trên địa bàn trong những năm qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định mục tiêu thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết về vấn đề này nhằm tạo nguồn thu và tăng cường công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng có Đề án nhằm tạo nguồn thu NSNN đến năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế trong gần 3 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thu NSNN chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản do có sự thay đổi về chế độ, chính sách thu dẫn đến giảm nguồn thu. Mặt khác, việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp còn chậm do vướng mặt bằng, kinh phí đầu tư hạn tầng, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế. Cùng với đó năng lực của một số nhà đầu tư yếu dẫn đến việc triển khai thực hiện dự án kéo dài, chưa bổ sung và khai thác được nguồn thu mới...
Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu thu NSNN khoảng 3.325 tỷ đồng, trong đó, thu trong nội địa đạt khoảng 3.205 tỷ đồng; thu xuất - nhập khẩu 120 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như thực tế nền kinh tế hiện nay, theo một số các chuyên gia là rất khó khăn, trong bối cảnh nguồn thu NSNN tỉnh ta nhiều năm trở lại đây phụ thuộc khá nhiều vào đóng góp từ Công ty thuỷ điện Hoà Bình và nguồn thu từ đất. Đây đều được cho là những lĩnh vực gặp biến động lớn từ thay đổi chính sách cũng như xu thế của bất động sản.
Hồng Trung