(HBĐT) - Từ lâu, cây mía được đánh giá là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập khá cho người dân Cao Phong. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu thụ mía tím chậm, giá sụt giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Có lẽ cũng như nhiều loại nông sản khác do trước đây mía tím được giá nên người dân mở rộng diện tích, dẫn đến thực trạng trên. Bài toán mất mùa được giá hay được mùa mất giá đối với cây mía chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Nông dân xã Nam Phong (Cao Phong) mong chờ người đến thu mua mía tím.
Khác với mọi năm, đến nay, tuy đang trong vụ thu hoạch song nhiều ruộng mía tím ở các xã trên địa bàn huyện Cao Phong chưa xuất bán được vì ít thương lái hỏi mua. Mía tím trồng tập trung ở các xã: Bắc Phong, Nam Phong, Xuân Phong, Tây Phong… Giá mía năm nay khá thất thường, thời điểm trước tết từ 5.000 - 6.000 đồng /cây. Sau Tết giá mía giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng /cây nhưng lượng thương lái thu mua cũng không nhiều.
Xã Nam Phong có diện tích mía tím khoảng 150 ha. Đến thời điểm này mới tiêu thụ được khoảng 70 ha. Hộ ông Bùi Hải Trung ở xóm Nam Thái trồng hơn 1.000 m2 (khoảng 10.000 cây). Mọi năm giờ này đã cơ bản bán hết với giá từ 5000-6000 đồng /cây cho thu nhập 50-60 triệu đồng, trừ chi phí cũng lại được một nửa. Nhưng năm nay thương lái vào mua lẻ tẻ mà giá lại thấp. ông Trung cho biết: Cây mía mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng nhiều. Nếu tháng 3 hay tháng 4 này, mới bán được mía, thì cũng đã qua khung thời vụ nhiều loại cây trồng; không thể trồng ngô và các cây màu khác. Với giá 4000 - 5000 đồng /cây thì mới có lãi, giá 3.000 đồng /cây coi như hoà vốn, còn giá dưới 3.000 đồng là không có công. Do giá thấp quá nên nhiều hộ chưa muốn bán, nhưng cây mía không thể để lâu quá được vì sẽ bị xốp, giảm lượng đường. Vì vậy, trước mắt người trồng mía ở Nam Phong chỉ trông chờ vào thương lái với hy vọng thu được vốn đầu tư.
Theo báo cáo của phòng NN &PTNT huyện Cao Phong, hiện diện tích mía các loại trên địa bàn huyện Cao Phong có 2.500 ha, trong đó mía tím 965,5 ha, mía trắng ép nước 1.535, 5 ha. Thời gian thu hoạch mía tím từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, 1 ha bình quân khoảng 4 vạn cây thương phẩm; giá bán mía tím tính đến thời điểm hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do. Giá trị bình quân ước khoảng 100-120 triệu đồng /ha. Đến nay, diện tích mía tím toàn huyện đã tiêu thụ trên 42% khoảng 405,5 ha, còn lại 58% diện tích chưa tiêu thụ được (khoảng 560 ha). Thị trường tiêu thụ chủ yếu của mía tím Cao Phong là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận khác. Trong thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, giá mía khoảng 2.000 - 4.000 đồng /cây, giảm khoảng 30% so với năm trước. Nhiều diện tích mía do thiếu nước tưới đang bị chết ngọn, gây thiệt hại cho người dân.
Qua tìm hiểu được biết, những khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ mía tím trên địa bàn là do lượng sản phẩm lớn, trong khi nhu cầu thị trường thấp, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Cây mía kém chất lượng do sử dụng giống đã thoái hoá. Các đợt rét đậm, rét hại cũng làm giảm chất lượng mía. Việc tiêu thụ mía tím phụ thuộc vào thị trường tự do và thương lái nên giá trị thu nhập bấp bênh. Công tác quảng bá sản phẩm ra thị trường còn nhiều hạn chế, chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Trước những khó khăn về tiêu thụ mía, huyện chủ trương giảm diện tích mía tím và chuyển đổi sang trồng cây khác có tính ổn định hơn như ngô, đậu tương... Tiếp tục thay thế giống mía cũ bằng giống nuôi cấy mô để nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ mía tím thời gian tới, tập trung vào các vấn đề: Các xã rà soát, điều chỉnh lại diện tích trồng mía tím cho phù hợp với quy hoạch sản xuất. Hàng năm tăng thêm nguồn ngân sách huyện, cùng với các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng các mô hình phục tráng giống. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mía Cao Phong trong cả nước. Khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ các cá nhân, tập thể bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân theo chính sách của tỉnh. Tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu, quảng bá cho mía tím Cao Phong.
Đồng thời huyện kiến nghị với UBND tỉnh, các sở, ngành sớm xây dựng nhà máy sản xuất nước mía giải khát từ cây mía tím Hoà Bình; hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm mía tím để thuận lợi cho tiêu thụ trong thời gian tới; có định hướng quy hoạch vùng sản xuất mía tím để sản xuất và tiêu thụ được thuận lợi...
Đinh Thắng