Nhà thầu tổ chức thi công trở lại đoạn qua xóm Nút, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn).
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7 km có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17 + 85 - Quốc lộ 21), điểm cuối tại km 32 +367, tương ứng với km 67+510 - lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Dự án do Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và thương mại Trường Lộc đầu tư theo hình thức BOT, được khởi công vào tháng 5/2014, đặt mục tiêu hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng). Do nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án này đã phải gia hạn nhiều lần.
Tại cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Các nhà đầu tư dự án vi phạm nghiêm trọng hợp đồng ban đầu đã ký với Bộ GTVT. Dự án đã được gia hạn tới lần 3 để các nhà đầu tư thu xếp triển khai, hoàn chỉnh công trình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa có giải pháp hiệu quả để thực hiện hết trách nhiệm theo hợp đồng đã ký. Nếu đến 31/8 năm nay, dự án không hoàn thành, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng đã ký với nhà đầu tư”. Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể để Ban QLDA2 thẩm định, trình Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông theo dõi giám sát hàng tuần; nhà đầu tư cùng Ban QLDA2 làm việc với UBND TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình để có văn bản cam kết về thời gian bàn giao mặt bằng còn lại cho các nhà thầu thi công…
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình qua địa bàn huyện Kỳ Sơn là dài nhất, chiếm 16,32/25,7 km, đi qua địa bàn các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Mông Hóa, Dân Hạ, thị trấn Kỳ Sơn với khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng với số lượng diện tích thu hồi 105 ha. Đến năm 2017, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn không chỉ có huyện Kỳ Sơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, triển khai dự án dọc tuyến.
Ông Bùi Quang Bát, đại diện Công ty 36, cho biết: Nhà đầu tư đã lập kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức giao ban theo tuần tại công trường, huy động nhân lực, máy móc để triển khai thi công theo tiến độ cam kết. Nhà đầu tư đang chỉ đạo tư vấn thiết kế triển khai thiết kế chi tiết hạng mục xử lý hang Karst, bổ sung cầu vượt đường tỉnh 445, thỏa thuận địa phương quy mô công trình…phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng, tổ chức thi công đồng loại các gói thầu. Hiện đã có nhà thầu thi công tại các gói thầu 8, 12, 14, 15, 17, 20, trạm trộn bê tông để thi công cầu Thạch Bình, cầu Đèo Bụt 1, xử lý sạt trượt mái ta luy… Đối với những nhà thầu năng lực yếu sẽ được thay thế để đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hạ Nguyễn Trọng Nghĩa được biết: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình qua địa bàn xã khoảng 3 km, thuộc các xóm: Đồng Bến, Nút, Đan Phượng, Đồng Sông với khoảng 87 hộ ảnh hưởng. Trong đó, đoạn qua xóm Nút dài hơn 1 km, từ núi đá Hàm Rồng kéo dài tới giáp khu vực thị trấn, đoạn cầu Ngòi Móng. Chính quyền và người dân dọc tuyến mong muốn nhà đầu tư và các tổ chức liên quan nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, hoàn thành toàn bộ dự án theo đúng kế hoạch.
ông Nguyễn Văn Môn, xóm Nút, xã Dân Hạ, Kỳ Sơn cho biết: Tháng 11/2016, người dân nhận tiền đền bù và đúng 20 ngày sau thực hiện bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công. Việc thi công rất chậm, đến giữa năm 2017, nhà thầu đã rải bây. Cả đoạn đã thi công chỗ rải bày, chỗ mới làm xong nền, quãng cách quãng rất bụi, nhiều khi người dân lấy đá chặn ô tô đi lại chậm để bớt bụi. Từ đó đến nay im ắng. Mấy ngày vừa rồi lại thấp máy móc được đưa đến, người dân khấp khởi mừng mong sao đường sớm hoàn thành để phục vụ phát triển KT-XH. Đường này mà thông, người dân phấn khởi vì đi lại thuận tiện, ai cũng mong nhà thầu tổ chức thi công theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Khi hoàn thành sẽ rút ngắn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu giữa các xã trong huyện. Hiện người dân từ Yên Quang, Phúc Tiến đều tới huyện đều đi trên tuyến đường này dù chưa hoàn thành. Chính quyền và người dân dọc tuyến mong muốn nhà đầu tư nghiên cứu, có giải pháp điều chỉnh thiết kế mặt cống dọc tuyến đường hợp lý, vì thực tế mặt cống cao hơn cả ruộng cấy. Qua mấy mùa mưa, ruộng thành ao không cấy cũng chẳng canh tác được. Người dân cũng mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Lê Chung
(HBĐT) - Từ lâu, cây mía được đánh giá là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập khá cho người dân Cao Phong. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu thụ mía tím chậm, giá sụt giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Có lẽ cũng như nhiều loại nông sản khác do trước đây mía tím được giá nên người dân mở rộng diện tích, dẫn đến thực trạng trên. Bài toán mất mùa được giá hay được mùa mất giá đối với cây mía chưa tìm được lời giải thỏa đáng.