(HBĐT) - Đó là yêu cầu đặt ra đối với Chương trình cho vay bê cái giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ, được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay và đang cho những kết quả đáng ghi nhận. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hai địa phương tham gia là Kim Bôi và Lạc Sơn cần thực hiện tốt Quy chế quản lý và phát triển "Ngân hàng bê giống” từ nguồn hỗ trợ cho vay của chương trình, từ đó đảm bảo nguồn giống tốt để từng bước nhân rộng ra các địa phương khác.

 
Nhận bê giống từ chương trình, hộ dân xóm Mớ Khoắc xã Hạ Bì (Kim Bôi) đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc, giúp bê sinh trưởng, phát triển tốt.

Chương trình cho vay bê cái giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ được khởi động từ giữa tháng 3/2016, khi UBND tỉnh đồng ý tiếp nhận chương trình và cam kết bố trí kinh phí đối ứng, giao Hội Nông dân (HND) tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện có liên quan thực hiện. Sau khi thống nhất lựa chọn hai huyện Kim Bôi, Lạc Sơn tham gia chương trình và hoàn tất các phần việc liên quan, đến giữa tháng 4/2017, chương trình đã tổ chức bàn giao 400 con bê cái giống cho các hộ chăn nuôi. Cụ thể, 20 xã thực hiện chương trình (10 xã/huyện), mỗi xã có 20 hộ được nhận nuôi 20 con bê cái giống (1 con/hộ) với chất lượng đạt và vượt tiêu chuẩn quy định (trọng lượng từ 160 - 180 kg/con, tỷ lệ máu laisind đạt 3/4). Sau khi bàn giao đàn bê giống, HND tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho 100% bê giống nhằm đảm bảo sức khỏe tốt, giúp các hộ yên tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đồng chí Nguyễn Thế Hách, Phó Chủ tịch HND tỉnh, Trưởng Ban điều hành tỉnh cho biết: Mặc dù có chữ "cho vay” nhưng khi đàn bê giống được bàn giao đến các hộ, bản chất đã là tài sản của các hộ. Đây chính là "Ngân hàng bê giống” giúp chúng ta có nguồn giống tốt để nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhận thức rõ điều đó, Ban điều hành tỉnh, Ban điều hành huyện và Ban thực thi cấp xã tích cực đôn đốc các hộ chăm sóc tốt đàn bê để không những duy trì đủ 400 con ban đầu mà còn phát triển nhiều hơn về số lượng, đảm bảo tốt về chất lượng, từ đó đẩy mạnh cung cấp con giống cho các hộ và địa phương khác.

Với nội dung hỗ trợ thiết thực, chương trình cho vay bê cái giống sinh sản được đánh giá cao về tính bền vững. Bởi không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu, chương trình còn tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc đàn bê cho các hộ nhận nuôi, từ đó phát huy tính tích cực trong lao động sản xuất, giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế bằng sức lao động của mình. Đây là điều kiện cần và đủ để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, cũng chính là tính ưu việt nhất của các chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo.

Tại tỉnh ta, trong năm đầu tiên thực hiện, chương trình đã được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm đúng các điều khoản đã cam kết nhờ huy động tốt sự vào cuộc của các cấp và đơn vị liên quan. Trong đó, là cơ quan trực tiếp thực hiện các nội dung đến từng hộ nhận nuôi bê giống, Ban thực thi cấp xã đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong quản lý, giám sát việc chăm sóc bê tại các hộ dân trên địa bàn. Đặc biệt, cán bộ thú y xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các hộ cách phòng bệnh, phối giống, vệ sinh chuồng trại… Từ đó, kịp thời giúp các hộ chăm sóc bê, giúp đàn bê sinh trưởng và phát triển tốt.

Đồng chí Bùi Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban thực thi xã Trung Bì (Kim Bôi) xác nhận: Thực tế triển khai chương trình tại xã Trung Bì cho thấy, địa phương nào có sự vào cuộc tích cực của Ban thực thi xã thì địa phương đó thực hiện tốt chương trình. Đơn cử tại xã Trung Bì, sở dĩ quá trình triển khai rất thuận lợi là do Ban thực thi xã đã vào cuộc tích cực từ khi bắt đầu chương trình đến nay. Từ việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, minh bạch để các hộ tham gia hiểu đúng về chương trình, đến việc phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn xóm để đôn đốc hộ chăn nuôi đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc bê. Nhờ đó, cả 20 con bê giống được bàn giao cho xã Trung Bì đều phát triển tốt, trong đó, đến cuối năm 2017 có 5 con được phối giống và có chửa. Nhìn chung, các hộ rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ chương trình.

Theo đánh giá của Ban điều hành thực hiện chương trình cấp tỉnh: Trong năm đầu tiên, chương trình hỗ trợ cho vay bê cái giống sinh sản đã được triển khai đảm bảo các yêu cầu về nội dung và tiến độ. Đa số các hộ nhận nuôi bê giống đều có ý thức trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăn dắt cẩn thận. Nhiều hộ tích cực trồng cỏ và nhân rộng diện tích để đảm bảo nguồn thức ăn tươi cho bê. Ban thực thi xã đã cử cán bộ thú y đến chữa trị kịp thời cho bê bị bệnh và đôn đốc hộ dân tăng cường các điều kiện chăm sóc bê. Kết quả, đàn bê sinh trưởng, phát triển khá tốt. Đến cuối năm 2017 đã có 40 con được phối giống và có chửa (Kim Bôi 30 con, Lạc Sơn 10 con), hứa hẹn gia tăng tổng đàn cho các hộ khác vay ở những trường hợp tiếp theo. Phát huy kết quả này, trong thời gian tới, Ban điều hành tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm quản lý và phát triển bền vững "Ngân hàng bê giống”, từ đó đảm bảo nguồn giống tốt để nhân rộng ra toàn tỉnh.

 

                                                                    Thu Trang

 

 

 

 

 



Các tin khác


Người dân xã Kim Truy khóc dở, mếu dở với… con giống hỗ trợ

(HBĐT) - Với mục tiêu giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, ngày 7/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102 về việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Chính sách này do Ban Dân tộc trực tiếp phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, tại một số xã vùng khó khăn của huyện Kim Bôi, với việc triển khai hỗ trợ muộn, hỗ trợ không phù hợp đã khiến nhiều hộ dân dở khóc, dở cười với con giống hỗ trợ của Nhà nước.

Huyện Lương Sơn tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với các nội dung cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa tại các địa chỉ tin cậy.

Kiểm tra các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện Mai Châu

(HBĐT) - Ngày 16/3, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã làm việc với UBND huyện Mai Châu kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện.

Xã Bắc Phong đầu tư thực hiện tiêu chí giao thông

(HBĐT) - Trong năm 2017, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã tập trung thực hiện 19 chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng tiêu chí giao thông, từng bước củng cố vững chắc các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch đề ra.

Huyện Đà Bắc phát triển 1.125 lồng cá

(HBĐT) - Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương với trên 6.000 ha mặt nước ở các xã ven hồ sông Đà, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đầu tư của một số chương trình, dự án nên nghề nuôi cá lồng của huyện Đà Bắc đã phát triển cả về số lượng, chủng loại và chất lượng sản phẩm.

Thu hút vốn đầu tư phát triển ước đạt 220,57 tỷ đồng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền thành phố Hòa Bình quan tâm lãnh đạo ngành Thuế tăng cường các giải pháp thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng tiền thuế. Trong tháng 2, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 27,28 tỷ đồng, luỹ kế 2 tháng đầu năm đạt 46,03 tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục