Đoàn ĐBQH tỉnh thị sát việc thi công công trình Cầu Hòa Bình.
Tham gia đoàn giám sát có Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND tỉnh), Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài chính, Hội luật gia tỉnh.
Hiện, UBND thành phố được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 2 dự án vay vốn nước ngoài. Trong đó, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc-Thành phố Hòa Bình sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới WB; dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức KfW.
Về tình hình giải ngân vốn vay ODA, thành phố Hòa Bình nêu rõ: Đối với dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình, giai đoạn từ 2011-2016 đã tiếp nhận và giải ngân được 76,5 tỷ đồng vốn ODA, tiếp nhận và giải ngân được 27,76 tỷ đồng vốn đối ứng. Theo hiệp định giữa chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam, dự án bắt đầu thực hiện trả khoản nợ vay từ năm 2022. Mặt khác, cơ chế tài chính cho dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 314, ngày 3/5/2013 là cấp phát 100% từ ngân sách Nhà nước.
Đối với Chương trình đô thị miền núi phía Bắc- Thành phố Hòa Bình, giai đoạn 2011-2016 đã tiếp nhận và giải ngân được 124,6 tỷ đồng vốn ODA, tiếp nhận và giải ngân đươc 20,4 tỷ đồng vốn đối ứng. Theo hiệp định giữa chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam, dự án bắt đầu trả nợ khoản vay từ năm 2022. Đơn vị trả nợ gốc là UBND tỉnh, UBND thành phố hòa bình trả lãi hàng năm.
Trong giai đoạn 2011-2016 các cơ quan, đơn vị liên quan đã có sự phối hợp tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho UBND thành phố triển khai, thực hiện chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Thông qua cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện UBND thành phố đã đề nghị: các cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố (giai đoạn 2018-2020) với số tiền cụ thể: 281,619 tỷ vốn ODA; 90,244 tỷ đồng vốn đối ứng và 1,4 tỷ đồng vốn địa phương. Đối với Chương trình đô thị miền núi phía Bắc- Thành phố Hòa Bình, cần được bổ sung 409,080 tỷ đồng vốn ODA và 21,02 tỷ đồng vốn đối ứng trung ương để chi trả cho giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp và tư vấn giám sát…
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi xung quanh việc ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý quản lý và sử dụng vốn vay ODA trên địa bàn thành phố. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan như thế nào, mục tiêu, hiệu quả đầu tư ra sao? Đại diện lãnh đạo UBND thành phố đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu: qua giám sát cho thấy thời gian qua, TPHB đã thực hiện đúng chính sách pháp luật của Nhà nước trong sử dụng vốn vay ODA để triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong thời gian tới đề nghị TP Hòa Bình tiếp tục quan tâm thực hiện đúng quy định của Nhà đầu tư và pháp luật của Việt Nam. Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình cần kiểm định tốt nguyên liệu đầu vào của Nhà máy, rà soát kỹ việc đấu nối nước thải giữa các hộ gia đình với hệ thống đường dẫn của nhà máy; tuyên truyền sâu, đậm về chủ trương xây dựng nhà máy để nhân dân được rõ; quan tâm đến giá thành sản xuất và môi trường xung quanh khu xử lý chất thải. Hiện, trên địa bàn thành phố có một số điểm bị bị úng, lụt cần quan tâm xử lý trước. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Cầu Hòa Bình và Chương trình đô thị miền núi phía Bắc- Thành phố Hòa Bình để đảm bảo thi công đúng thời hạn. Về nguồn vốn trung hạn (còn thiếu) cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan và cả các cá nhân của các đồng chí trong BQL dự án để có phương án đề xuất, xử lý kịp thời.
Thúy Hằng