Sau khi được bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể, sản phẩm cam Lạc Thủy được giới thiệu ra thị trường ngoại tỉnh, trong đó chú trọng thị trường Hà Nội.
Trong các loại nông sản chất lượng cao của tỉnh đang tập trung khai thác thị trường Hà Nội, rau an toàn là sản phẩm truyền thống đã được Sở NN&PTNT lựa chọn để ký kết thỏa thuận phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội về "sản xuất, tiêu thụ rau an toàn”. Theo thỏa thuận ký kết, từ năm 2013 đến nay, hai địa phương đã tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng và khơi thông thị trường cho sản phẩm rau an toàn của Hòa Bình cung cấp cho thị trường Hà Nội. Đây được xem như động thái thiết thực của ngành chức năng nhằm xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản chất lượng cao, từ đó tạo thêm động lực để phát triển sản xuất và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cùng với rau an toàn, các sản phẩm chủ lực và có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh như: mía tím, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, gà đồi Lạc Sơn, cá sông Đà... đang chú trọng khai thác thị trường Hà Nội. Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại cá đặc sản được nuôi ở vùng hồ sông Đà, Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh (TP Hòa Bình) mỗi năm cung ứng khoảng 500 - 600 tấn cá các loại, chủ yếu cho thị trường Hà Nội. Anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty cho biết: Đây là thị trường tiềm năng công ty xác định tiếp tục khai thác tốt hơn trong thời gian tới. Đối tác của công ty thường là các siêu thị, nhà hàng cao cấp nên cùng với mức tiêu thụ cao, họ yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì thế, công ty đã đầu tư kinh phí để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm cá sông Đà đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời phối hợp xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cá, tôm sông Đà - Hòa Bình. Với chất lượng cao lại được bảo hộ tài sản trí tuệ để có thương hiệu uy tín, chúng tôi tin rằng sản phẩm của mình sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận thị trường Hà Nội cũng như các thị trường khó tính khác.
Theo thống kê của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 34 sản phẩm là đặc sản địa phương cần được hỗ trợ phát triển để tăng lợi thế cạnh tranh khi vươn ra các thị trường lớn, trong đó chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Đến nay đã có 8 sản phẩm được bảo hộ tài sản trí tuệ và xác lập thương hiệu uy tín trên thị trường. Cùng với kết quả quan trọng này, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Riêng Sở NN&PTNT trong năm 2017 đã triển khai 24 dự án trọng điểm về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi giá trị bền vững. Sở Công Thương đã và đang triển khai 25 dự án chuỗi. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp và người dân mạnh dạn vào cuộc khi "bắt” được tín hiệu tốt từ thị trường. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại hướng tới thị trường Hà Nội, đến nay, tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết cung ứng nông sản tới một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội như: chuỗi rau hữu cơ Lương Sơn đang được kết nối với 3 đối tác doanh nghiệp chính là Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và VinaGap. Chuỗi rau su su Quyết Chiến cung cấp cho hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty CP Nhất Nam, hệ thống cửa hàng của Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam và cung cấp cho chợ đầu mối Long Biên, sau đó cung cấp ra thị trường Hà Nội. Chuỗi cá sông Đà cung cấp cho Công ty An Việt và nhiều nhà hàng khác tại Hà Nội… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Hòa Bình đã chủ động tìm hiểu thị trường và liên kết với các doanh nghiệp, tư thương, nhà hàng tại Hà Nội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây đều là những nông sản chất lượng, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và lưu thông trên thị trường với bao bì, nhãn mác đáng tin cậy, do đó nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.
Đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội trao đổi: TP Hà Nội có gần 10 triệu dân và nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn, nhất là những nông sản chất lượng cao, đảm bảo VSATTP và có thể truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, Hòa Bình có nhiều loại nông sản đặc sản rất được ưa chuộng, thêm vào đó lại có vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội nên thiết nghĩ, tỉnh nên xúc tiến nhiều hoạt động để đưa các sản phẩm nổi bật của địa phương vào thị trường Hà Nội. Đây cũng là "cửa ngõ” thuận lợi để sản phẩm đến được với thị trường tiềm năng khác như các tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu.
Được biết, với dân số gần 10 triệu người, TP Hà Nội luôn có nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn với khoảng 1 triệu tấn rau, quả và khoảng 570 ngàn tấn thực phẩm mỗi năm. Xác định phải chú trọng khai thác thị trường tiềm năng này, vài năm gần đây, Sở NN&PTNT đã tích cực làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm và xúc tiến thương mại cho các loại nông sản lợi thế của địa phương. Lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo tỉnh ta đã thống nhất được những nội dung quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả liên kết giữa hai địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ hợp tác với Hòa Bình khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tập trung vào một số hàng hóa nông sản có lợi thế như gia cầm, rau, quả, chè, cá… Đồng thời sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây/con giúp tỉnh phát triển vùng trồng rau sạch, phát triển đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đây là những diễn biến tích cực, hứa hẹn cơ hội thị trường tiếp tục mở rộng đối với các loại nông sản chất lượng cao của Hòa Bình.
Thu Trang