Xã Tu Lý (Đà Bắc) - chiến khu cách mạng năm xưa đang phấn đấu trở thành xã đầu tiên của huyện về đích NTM vào năm 2018.
Khắp các thôn, xóm của xã Tu Lý vào những ngày tháng tư trải dài nắng vàng, những nóc nhà bình yên. Ngày này cách đây 70 năm có lẻ, Tu Lý cùng với Hiền Lương đã hình thành nên khu căn cứ cách mạng Tu Lý – Hiền Lương, 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh thuộc hệ thống chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (Chiến khu Quang Trung). Tại khu căn cứ này đã diễn ra lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng lan rộng ra các vùng xung quanh. Dưới ánh sáng của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện đoàn kết vùng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, giành lấy chính quyền. Căn cứ Hiền Lương – Tu Lý, căn cứ Mường Diềm là những minh chứng đầy sức thuyết phục về tinh thần yêu nước nồng nàn, một lòng ủng hộ và đi theo cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện. Ngày nay, để ghi dấu những chứng tích lịch sử, tại xóm Mạ - xã Tu Lý, xóm Rồng – xã Hiền Lương đã xây dựng nhà bia lưu niệm khu di tích lịch sử cách mạng Tu Lý - Hiền Lương. Đây là những công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ vùng Tu Lý – Hiền Lương tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những người con của quê hương Đà Bắc hẳn còn lưu giữ ký ức những năm tháng sau khi non sông thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà ngăn dòng thác lũ, tạo nguồn năng lượng mang tới mọi miền. Vì dòng điện của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc huyện đã dời xa mảnh đất "chôn nhau cắt rốn”, từ bỏ ruộng vườn, mồ mả cha ông di chuyển về Tu Lý hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam. Thời gian đó, nhân dân 14 xã với 2.520 hộ, 16.328 nhân khẩu trong huyện nằm ở 2 bờ sông Đà phải di dời, chuyển vén khỏi lòng hồ. Hơn một thập kỷ sau đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng với nhiệm vụ chuyển dân vùng ngập lòng hồ tập trung xây dựng huyện lỵ mới, xây dựng trụ sở làm việc mới cho các xã và nơi ở mới cho đồng bào di chuyển vùng ngập. Đến năm 1992, toàn huyện có 21 xã, thị trấn, 123 hợp tác nông – lâm nghiệp chia thành 2 vùng kinh tế lớn là vùng phòng hộ xung yếu ven hồ Hòa Bình với 12 xã và vùng định canh, định cư với 8 xã, 1 thị trấn.
Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt từ sau khi tỉnh Hòa Bình tái lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chuyển nhanh sang cơ chế mới, tìm ra mô hình kinh tế và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp và du lịch, Huyện ủy chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó xã Hiền Lương được chọn là xã điểm của tỉnh, xã Tu Lý và Mường Chiềng được chọn là xã điểm của huyện. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng, huyện Đà Bắc đã tăng cường sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa vật chất, trí tuệ, tinh thần của cộng đồng, của các thành phần kinh tế để giải quyết tốt việc làm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở mức năm sau cao hơn năm trước.
Đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc tự hào: Diện mạo quê hương Đà Bắc đã và đang khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, QP-AN, xây dựng Đảng và đoàn thể CT-XH. Từ một vùng đất nghèo, với những hạn chế về trình độ dân trí, đội ngũ cán bộ, kết cấu hạ tầng… huyện đã từng bước bứt phá, vươn lên làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho đại bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào các xã vùng cao. Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo so với các địa phương khác còn cao nhưng so với xuất phát điểm của huyện ngày càng giảm rõ rệt. Y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao đạt được những bước tiến quan trọng, AN-QP đảm bảo, giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của địa phương trong giai đoạn mới.
Bùi Minh