Giai đoạn 2013 - 2018, Hội Nông dân xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã phối hợp với các tổ chức ngân hàng bảo lãnh, tín chấp vốn vay cho 239 hội viên nông dân với tổng dư nợ 7 tỷ đồng. Đồng thời phát động, vận động hội viên xây dựng nguồn quỹ Hội do các chi hội quản lý cho hội viên vay. Phong trào cải tạo vườn tạp được thúc đẩy, lan tỏa trên địa bàn, xuất hiện các mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ, gà thả vườn, mô hình vườn ao chuồng và làm vườn mang lại thu nhập cao, ổn định. Diện tích ổi, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc có giá trị kinh tế vượt trội tăng nhanh. Cũng từ đây, hộ kinh doanh cá thể ngày càng phát triển cả về số lượng, quy mô. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Đinh Văn Tuấn ở thôn Bùi Trám kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 5 lao động; ông Bùi Văn Bền, Bùi Văn Giới ở thôn Gò Bài kinh doanh hàng tạp hóa. Các hội viên chi hội thôn Năm Lu phát huy thế mạnh phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ như các ông, bà: Nguyễn Văn Oai, bà Dương Thị Bộ, Doãn Thị Oanh, Đặng Đình Tòng… Năm 2017, xã có 55% hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Nông dân các xã của huyện Kim Bôi đến thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng dưa trong nhà lưới theo quy trình VietGAP của ông Phạm Tiến Sinh - điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy).
Tại huyện Lạc Thủy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào nền nếp và phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hàng năm, số hộ nông dân đăng ký và số hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đều tăng. Trong 5 năm (2013 - 2018), có gần 26.000 lượt hộ nông dân đăng ký, kết quả có 16.782 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 64,6% so với hộ đăng ký. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nhóm, hộ nông dân đoàn kết, tương trợ giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, thu hút đông đảo hộ nông dân hưởng ứng, tham gia. Đặc biệt, kinh tế trang trại của nông dân đã hình thành và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa. Toàn huyện đã có 72 trang trại, trong đó 60 trang trại được cấp chứng nhận theo tiêu chí mới, gồm 35 trang trại tổng hợp, 10 trang trại trồng trọt, 2 trang trại trồng cây lâm nghiệp, 20 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại nuôi trồng thủy sản. Thông qua phát động phong trào thi đua, các cơ sở Hội đã vận động nông dân đóng góp ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo”, tương trợ, giúp đỡ bằng ngày công, tiền vốn, kinh nghiệm làm ăn, vật tư, con giống tương đương số tiền gần 500 triệu đồng cho 574 hội viên nghèo. Ngoài ra Hội còn vận động xây dựng và bàn giao 6 nhà "Mái ấm nông dân” với tổng trị giá trên 150 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 10 nhà đại đoàn kết cho 10 hộ hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá 165 triệu đồng; nâng cấp và sửa chữa nhà cho 2 hộ hội viên, trị giá 10 triệu đồng; trực tiếp và phối hợp sửa chữa 149 nhà tạm cho 149 hộ hội viên nghèo các xã, thị trấn.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Đâu đâu trong các cấp Hội cũng phát triển sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đơn cử như huyện Lương Sơn đã tích cực phát động và nhân rộng mô hình hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, qua đó giúp được 181 hộ thoát nghèo. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân đã tạo động lực mạnh mẽ, hàng năm, số hộ đăng ký đạt 65% tổng số hộ hội viên. Năm 2017, có 4.700 hộ đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 16 hộ đạt cấp T.ư, 33 hộ đạt cấp tỉnh, 2.200 hộ đạt cấp huyện, 2.153 hộ đạt cấp cơ sở.
Bên cạnh Hội Nông dân các huyện có phong trào mạnh như: Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong còn có nhiều điển hình, tiêu biểu khác như Hội Nông dân TP Hòa Bình, các huyện: Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Sơn… Hàng năm, các cấp Hội đã phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đến 100% xã, phường, thị trấn và vận động hội viên nông dân đăng ký. Năm 2017 có 72.695 hộ đăng ký thì có 34.300 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương nông dân xuất sắc của tỉnh và trao chứng nhận cho 50 nông dân tiêu biểu, xuất sắc thuộc 11 huyện, thành phố. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình kinh tế HTX, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Lường Văn Sương, xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) với mô hình trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ; ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) với mô hình kinh doanh, trang trại tổng hợp; ông Phạm Tiến Sinh, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; ông Vũ Xuân Oanh, xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) với mô hình sản phẩm bưởi Diễn…
Bùi Minh