Sản xuất linh kiện kiểm soát lưu lượng chính xác dùng trong ngành công nghiệp bán dẫn, hóa dầu và y tế tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: ĐĂNG KHOA "Thỏi nam châm" vùng Bắc Bộ
Năm 2017, hàng loạt các dự án lớn lần lượt được triển khai tại Bắc
Ninh; trong đó, phải kể tới dự án mở rộng sản xuất của Công ty TNHH Samsung
Display có vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, nhiều dự án có vốn hàng triệu USD của các
Công ty TNHH Misumi, Hana Micron,... minh chứng sức nóng đầu tư trong thời
gian qua. Theo thống kê, khoảng 5 năm trở lại đây, Bắc Ninh thu hút được 672
dự án, tổng số vốn đầu tư gần 17 tỷ USD, tốc độ và mật độ các dự án tăng trưởng
đều đặn qua các năm. Nhờ dòng vốn đầu tư khá ổn định, tính riêng năm 2017, tốc
độ tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh đạt 19,12% (kế hoạch đề ra từ 9 đến 9,2%);
giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 968.846 tỷ
đồng; kim ngạch xuất khẩu 29,85 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu
cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.600 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, tổng diện tích 6.397,68
ha. Trong đó, có chín KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 63,46%, hầu
hết là doanh nghiệp (DN) FDI. Các lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu gồm điện,
điện tử viễn thông, linh kiện điện tử, dược phẩm,... tổng vốn đầu tư cấp mới
và điều chỉnh đạt gần 16 tỷ 850 triệu USD (trong nước là 1 tỷ 865,11 triệu
USD, FDI là 14 tỷ 984,62 triệu USD). Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có
dự án đầu tư vào Bắc Ninh, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng đầu bảng với 557 dự án.
Tổng Giám đốc Công ty Fujikin Bắc Ninh A.Ka-oa-ba-ta cho biết: Sau khi đầu tư
vào KCN Thăng Long (Hà Nội) và đạt nhiều thành công, chúng tôi quyết định mở
rộng sản xuất và tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất tại KCN VSIP (Bắc Ninh).
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, con người thì Bắc Ninh
còn là địa phương nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Các
cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện giải quyết vướng
mắc, nhất là việc thực hiện nhanh chóng các thủ tục đầu tư mà DN nước ngoài gặp
phải.
FDI là nguồn vốn quan trọng, góp phần giải quyết thiếu hụt về vốn
trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng
kinh tế. Ðối với Bắc Ninh, nguồn vốn này trở thành "cú hích" để tạo
bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội
trên địa bàn. Lợi ích quan trọng và lâu dài mà DN FDI mang lại, ngoài giải
quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, còn là chuyển giao công nghệ,
trình độ quản lý tiên tiến. Kỹ sư trẻ Trần Thanh Hùng làm việc tại Tập đoàn
Samsung Việt Nam cho biết: Làm ở Samsung, thu nhập không thua kém đi xuất khẩu
lao động ở nước ngoài, điều quan trọng là học hỏi được kinh nghiệm trong điều
hành, quản lý của một tập đoàn lớn. Chỉ tính riêng Samsung Việt Nam đã thu
hút khoảng 85 nghìn lao động vào các dây chuyền sản xuất chính, nếu cộng tất
cả các công ty vệ tinh trên địa bàn thì số lao động lên đến 150 nghìn người.
Chị Hoàng Thị Nga, công nhân Công ty Samsung Việt Nam, có thâm niên làm việc
hơn ba năm cho biết: Thu nhập trung bình của công nhân Samsung Việt Nam khoảng
sáu triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể tới tám triệu đồng/tháng. Ngoài ra,
công ty còn có chế độ đãi ngộ đối với người lao động như tổ chức xe buýt đưa đón,
giải trí, du lịch, tập huấn, đào tạo các khóa ngắn và dài hạn. Hiện công ty
có bốn khu nhà ở dành cho công nhân, trong năm nay sẽ xây dựng thêm 10 khu,
giải quyết chỗ ở cho 6.000 người.
Ðiều chỉnh chính sách thu hút FDI
Lý giải sức hút của Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh
cho rằng: Bên cạnh những yếu tố tự nhiên thuận lợi, để thu hút đầu tư, Bắc
Ninh đã tập trung tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, hỗ trợ DN thông
qua kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; nghiên cứu, chuyển giao công
nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao; đền bù giải phóng mặt
bằng (giao đất sạch) cho các DN đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn,... Ngoài ra, nhà đầu tư được tỉnh tạo điều kiện liên kết, hợp tác đào tạo
nghề với các trường, trung tâm dạy nghề và ưu tiên tuyển lao động đã qua đào
tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn. Bắc Ninh đang áp
dụng và triển khai rộng rãi mô hình trung tâm hành chính công ở tỉnh và các
huyện. Bên cạnh việc coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã nhận
được sự ủng hộ, đánh giá tích cực của cộng đồng DN trên địa bàn qua việc
thành lập Tổ hỗ trợ DN, trực tiếp giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc khi có
phản ánh. Nhờ đó, Bắc Ninh được coi là "thỏi nam châm" thu hút nhiều
dự án đầu tư của các tập đoàn, DN lớn trong nước và nước ngoài.
Dù được đánh giá là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, nhất
là đầu tư FDI, song theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bắc Ninh, các dự án FDI
trên địa bàn tỉnh chưa thật sự thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ như kỳ
vọng, chưa khắc phục dứt điểm những yếu kém của nhiều năm trước. Ðiển hình,
phần lớn DN Việt Nam chỉ đủ khả năng tham gia các khâu gia công phụ kiện đơn
giản, số DN đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho Samsung, Canon,… rất
ít so với yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, Bắc Ninh bắt đầu phải tính toán đến
vấn đề điều chỉnh chính sách nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư FDI,
góp phần phát huy những mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, thực hiện mục tiêu
phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh
cho rằng, để nâng cao chất lượng các dự án FDI, trong thời gian tới, tỉnh sẽ
lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ
hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài
nguyên, khoáng sản, đất đai. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ,
tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, xử lý nước và
rác thải, chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính,
ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp phần mềm
và giải pháp, nghiên cứu và phát triển,... Giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn
2030 - 2050, sẽ điều chỉnh nâng dần tỷ trọng vốn FDI trong ngành dịch vụ có
giá trị gia tăng cao; triển khai cơ chế chính sách ưu đãi thu hút FDI vào các
ngành, lĩnh vực mũi nhọn.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ, ưu đãi về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ
nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động. Ðối với các dự án có quy mô lớn (vốn
đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên), dự án sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu
đãi theo quy định chung của Chính phủ, nhà đầu tư sẽ được UBND tỉnh xem xét,
hỗ trợ xây dựng cơ chế đặc thù trình Thủ tướng chấp thuận. Nhằm đa dạng hóa
các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào phát triển
cơ sở hạ tầng, tỉnh tiếp tục khuyến khích đầu tư theo các hình thức BT, BOT;
chỉ đạo nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác đối tác công - tư
(PPP). Ðồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công khai thủ tục hành
chính, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, tạo môi trường thông thoáng, hiện đại
nhằm thu hút đầu tư bền vững, chọn lọc, có chiều sâu, gắn với lợi thế của tỉnh,
tạo sức mạnh lan tỏa.
|
TheoNhandan
Có ý tưởng từ khi còn là sinh viên năm 1, đoạt giải nhì cuộc thi Nhân tài đất Việt 2015 và khởi nghiệp thành công với ứng dụng Busmap, Lê Yên Thanh đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ.