|
Sáng 23-5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải
trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Các đại biểu cũng đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung
còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Cân đối nguồn lực
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, ước tính tổng nguồn lực
để đầu tư cho cả ba đặc khu vào khoảng 1 triệu 500 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên,
về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh vẫn có những công trình, dự án, hạng
mục đặc biệt không thể thiếu được bàn tay của Nhà nước và vai trò của ngân
sách Nhà nước là bắt buộc. Chính vì thế, phải tính toán và đưa ra một phương
án tài chính hợp lý, trong tổng số nguồn lực ấy, Nhà nước sẽ phải đầu tư bao
nhiêu, tính khả thi,nguồn lực thực hiện, thời gian thực hiện. Nguyên tắc là mọi
khoản chi đều phải có trong dự toán, cho nên chúng tôi muốn rằng, các quy định
của Luật phải đặt trong mối quan hệ tổng thể như kế hoạch tài chính trung hạn,
kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) trong phần tranh luận về
ngành nghề ưu tiên cũng đề cập đến việc huy động những nguồn lực bên ngoài
nguồn lực của Nhà nước, như ngân hàng, các quỹ đầu tư, công ty tài chính…
Bổ sung ngành nghề đầu tư ưu tiên
Về nội dung liên quan đến các lĩnh vực đầu tư ưu tiên, nhiều đại
biểu đề nghị bổ sung thêm một số ngành nghề như y tế, giáo dục đào tạo, dạy
nghề, tài chính ngân hàng, logistic, công nghiệp chế biến…
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng, đối với lĩnh vực
giáo dục, đào tạo, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang rất
thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đối với ba đặc khu của chúng ta hiện
nay thì thiếu cả thầy lẫn thợ, đặc biệt nguồn lực chất lượng cao thì gần như
không có, trong khi nhu cầu lại rất cần và đây cũng là yếu tố rất quan trọng
khi nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư tại đặc khu, đồng
thời để tránh hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đưa nhân lực có trình độ thấp
từ nước ngoài đến đặc khu nếu chúng ta không đáp ứng được. Do vậy, vấn đề
khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu đối với tất cả
các đặc khu.
Về y tế, đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nên khuyến khích
chung về phát triển y tế, ít nhất xây dựng kinh doanh bệnh viện và cơ sở
khám, chữa bệnh để việc phục vụ cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa
bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tại đặc
khu. Đây là lĩnh vực đầu tư rất tốn kém, chi phí cao và rất khó thu hút nguồn
nhân lực và độ rủi ro rất lớn, nếu không có cơ chế ưu đãi sẽ không thể huy động
được nguồn vốn và nguồn lực thực hiện.
Ngoài ra, những ngành nghề được ưu đãi đầu tư cũng nên xem xét
theo khía cạnh phù hợp với đặc điểm riêng của từng đặc khu. Đại biểu Mai Thị
Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần có các quy định về ưu tiên đầu tư phù hợp
với điều kiện, thế mạnh… tránh dàn trải tránh dàn trải. Thí dụ, Bắc Vân Phong
và Phú Quốc là những nơi nóng quanh năm, phù hợp với hoạt động dịch vụ du lịch
quanh năm. Nhưng với Vân Đồn có mùa đông cho nên thời gian hoạt động du lịch
không bằng, cần phát triển thêm ngành nghề ưu tiên khác như dịch vụ tài chính
quốc tế, logistics, công nghệ sáng tạo phù hợp với lợi thế nằm trên đường
chung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, từ đó phục vụ trực
tiếp cho hoạt động kinh tế vùng và giao thương nước láng giềng có chung đường
biên giới phía bắc hoặc với trung tâm kinh tế tài chính khá thuộc khu vực
Đông Bắc Á.
Đối với Phú Quốc ưu thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, giao thông hàng
không và hàng hải với khu vực và thế giới, có thể cân nhắc thêm dịch vụ cảng
biển. Tất nhiên với điều kiện phải có vị trí phù hợp để xây dựng cảng nước
sâu, có khả năng đón các tàu, thuyền có trọng tải lớn vào ra.
Nhiều ý kiến về thể chế quản lý với đặc khu kinh tế
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) trong phỏng vấn
ngoài nghị trường, với khu hành chính – kinh tế đặc biệt, nên để quyền hạn
người đứng đầu cao nhất để họ có thể triển khai nhanh nhất, chịu trách nhiệm
trước quyền hạn của mình. Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Quốc hội phải
giám sát quyền đó, bảo đảm sự minh bạch và công khai.
Còn đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho biết, Luật này chưa đề cập
đến vai trò của Hội đồng nhân dân. "Cấp Hội đồng nhân dân không có cơ quan
thường trực, không có ban trong Hội đồng nhân dân. Vậy khi cần thẩm định báo
cáo, đề án, ai sẽ là người thẩm định. Hội đồng nhân dân phải xác định gọn nhẹ,
hiệu lực hiệu quả và nên có một bộ phận chuyên trách sẽ phù hợp hơn”, đại biểu
Giàng A Chu nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) trong phần tranh luận với các
đại biểu, cho rằng các đại biểu đều có ý kiến là không giao cho Chủ tịch đặc
khu nhiều quyền quá, kể cả ký các văn bản, vì không có thời gian. Tôi nghĩ với
tinh thần thử nghiệm, vượt trội và đột phá, có lẽ Chính phủ sẽ phải tìm những
người có kinh nghiệm và trình độ để làm chức vụ này. Vì thế, nếu những việc lớn,
quan trọng mà không quyết được thì tôi nghĩ là lại quay về cái không phải đột
phá, cái cũ như chúng ta hiện nay không phải ở khu kinh tế đặc biệt đang làm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với việc tăng
quyền lực cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu. Tất nhiên cần phải xem xét,
rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch Ủy ban
nhân dân và giao cho Ủy ban ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số
ban, ngành chuyên môn. Theo dự thảo quá nhiều nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân
dân ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung rất cụ thể... "Chủ tịch Ủy
ban nhân dân không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì
Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn. Theo như dự thảo thì
vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm khuyết điểm. 100 việc làm tốt, chỉ cần 1 việc
làm sai thì đã không còn gì nữa rồi, cho nên rất nguy hiểm” – đại biểu.
Về chức năng bộ máy chính quyền,cũng như nhiệm vụ Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân không nhất thiết phải nêu tất cả các nội dung vào luật,
vì đã có quy định của luật chính quyền địa phương, nên trong luật, để ngắn gọn,
chỉ nêu những vấn đề mang tính đặc biệt.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị bỏ thời hạn giao đất
lên tới 99 năm. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực
chất thời hạn này là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng
sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại
đất. Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình
thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ
mới cần đến.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư
Nguyễn Chí Dũng tiếp nhận các ý kiến để tiếp tục một bước nữa để hoàn chỉnh dự
thảo luật để đảm bảo chất lượng của Luật. Đối với thời hạn giao đất 99 năm, Bộ
trưởng đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây cũng là một chính sách
vượt trội của chúng ta. "Nhưng chúng tôi đồng tình với các đại biểu là phải
quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng
phê duyệt và phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét
đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm. 99 năm
hiện nay đã có nhiều nước làm việc này rồi, như đảo British Virgin Islands,
UAE, Malaysia, nhiều nước người ta cũng đã làm. Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng
vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc
biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau
cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng” – Bộ trưởng nói.
|
TheoNhandan
Báo cáo của Chính phủ cho hay, năm 2018 sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, nuôi dưỡng khởi nghiệp...