Tham khảo thị trường, nếu thời điểm năm 2012 - 2014, giá đất tại khu vực trung tâm trồng cam Cao Phong như thị trấn Cao Phong, các xã: Đông Phong, Bắc Phong, Tây Phong, Thu Phong... có giá từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng, thậm chí có nơi chỉ khoảng 150 triệu đồng/ha thì đến năm 2016 - 2017, giá mỗi ha tại những khu vực này lên đến cả tỷ đồng. Cá biệt có những vườn đã trồng cam, bắt đầu đến chu kỳ cho thu hoạch được hét với giá từ 2,5 - 2,8 tỷ đồng/ha.
Anh Thắng, một nhân viên doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn thành phố, trú tại khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) là một trong những người đầu tư mua vườn cam đúng lúc gần lập đỉnh. Vợ anh Thắng cũng là công chức Nhà nước, hiện đang công tác tại TP Hòa Bình. Đầu năm 2016, sau nhiều năm truyền thông đưa tin trên địa bàn huyện Cao Phong có hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ phú do trồng cam. Ham làm giàu, cộng với thấy nhiều người đổ xô đi mua trang trại trồng cam nên vợ chồng anh Thắng sau bao ngày bàn tính cũng quyết tâm tìm mua một mảnh vườn.
Có trong tay gần 500 triệu đồng, lên Cao Phong hỏi một vườn khoảng 5.000 m2 tại xã Xuân Phong (Cao Phong), chủ vườn đòi gần 1 tỷ đồng. Vườn cam lòng vàng năm thứ 4 bắt đầu cho thu hoạch. Không đủ tiền, anh Thắng gọi thêm người em họ cùng chung vườn.
Ngay năm đầu, nhờ không phải công chăm bón, chỉ việc thu hoạch, giá lại đắt, bán nhanh cũng được từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, vườn cam của anh Thắng được tư thương đến thu mua hết. Kết vụ, tổng cộng thu về trên 300 triệu đồng.
Tuy vậy, đến năm thứ 2, anh Thắng cho biết không hiểu sao đã thuê người chăm sóc rồi mà quả thì bị sâu, nám nhiều. Cộng với đúng thời điểm giá cam hạ, khiến anh Thắng hết sức lo lắng. Sản lượng cam nhiều khiến tư thương có dịp kéo giá xuống thấp.
Tổng kết năm thứ 2, sau khi trừ hết chi phí cộng với xây nhà kho khoảng 200 triệu đồng, vậy là chẳng để ra đồng nào.
Chị Đặng Thị Hằng, cán bộ ngành Y tế cũng trong tình cảnh tương tự. Có gần 1 tỷ đồng, năm 2016, tìm một mảnh đất đầu cơ mãi không được, chị cùng chồng quyết định lên mua khoảng 6.000 m2 vườn cam ngay tại thị trấn Cao Phong. Năm vừa rồi, sau khi thu hoạch thấy giá thấp, lường trước tình hình, chị rao bán mãi mà đến nay vẫn chưa có ai mua.
Có một điều chị Hằng lo lắng là khi người dân bán đất vườn cho mình xong họ lại đến vùng xa hơn như Kim Bôi, Lạc Thủy... tìm mua đất có giá rất rẻ, từ 100 - 200 triệu đồng/ha nhằm trồng cam tiếp. "Lợi thế của họ là mua đất vừa rẻ, vừa có kỹ thuật trong tay nên phần thắng là rất cao” - chị Hằng cho hay.
Thực tế trên địa bàn huyện Cao Phong những năm qua có khá nhiều công chức, thậm chí cả người làm ở Hà Nội cũng về đây tìm mua vườn cam, mong một ngày không xa trở lên giàu có. Tuy vậy, vừa mua phải giá cao, cộng với chưa am hiểu kỹ thuật, vài năm tới đây nhiều dấu hiệu cho thấy sản lượng cam tiếp tục tăng lên khiến cho dù chưa đến vụ nhưng không ít người tỏ ra lo ngại.
Chính vì vậy, trên các diễn đàn xã hội, hiện đất vườn khu vực Cao Phong đang được rao bán khá nhiều. Có những khu vực như Yên Thượng, Yên Lập, mỗi ha trồng cam, trong đó có vườn được trồng từ 1 - 2 năm tuổi đang được rao bán chưa đến 100 triệu đồng/ha, thậm chí vài chục triệu mỗi ha.
Người dân bắt đầu cảm nhận được khó khăn từ phong trào đua nhau trồng cây có múi, nhất là trên địa bàn huyện Cao Phong.
Theo một tỷ phú trồng cam có thâm niên trên đất Cao Phong, thường sau mỗi chu kỳ cam, đất sẽ được trồng các loại cây như mía, lạc... vài năm để cải tạo đất. Sau đó trồng lại cam mới cho hiệu quả cao. Còn vườn nào vừa chặt cam hết chu kỳ nhưng chủ vườn trồng luôn cam thì rất dễ có nhiều sâu bệnh đối với cây cam sau này.
Hồng Trung